Vấn đề cử tri quan tâm: Cần tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.
Thời gian gần đây, công tác thu gom xử lý rác thải trên địa bàn huyện Kỳ Anh nói chung và địa bàn các xã thuộc Khu kinh tế Vũng Áng nói riêng còn nhiều bất cập, hạ tầng yếu kém. Lượng rác thải tại các xã thuộc khu kinh tế Vũng Áng tăng đột biến, trong khi các xã chưa có quy hoạch bãi xử lý, chôn lấp nên phải vận chuyển đến bãi rác trung tâm của huyện làm tăng chi phí, ách tắc giao thông, gây nên sự quá tải, mất vệ sinh tại khu vực xung quanh bãi rác thị trấn.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Kỳ Anh hiện nay khoảng 250 tấn/ngày, tập trung chủ yếu tại Thị trấn, Khu kinh tế Vũng Áng và các thị tứ, các xã khu vực trung tâm. Trong đó khu vực thị trấn và các xã phụ cận: 80 tấn/ngày, khu vực các xã thuộc Khu kinh tế Vũng Áng khoảng 120 tấn/ngày, khu vực Kỳ Phong - Kỳ Bắc khoảng 10 tấn/ngày và một số lượng rác phát sinh chưa được thu gom tại các xã. Chỉ tính riêng năm 2013, sau khi UBND huyện nỗ lực chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh và một số Hợp tác xã môi trường tại các xã, thì khối lượng rác thải được thu gom trên địa bàn huyện năm 2013 đã đạt 130 tấn/ ngày, nhưng mới chỉ đạt tỷ lệ hơn 50% khối lượng rác thải phát sinh. Đối với khu vực thị trấn và các xã khu vực trung tâm, tỷ lệ thu gom đạt 85%, các xã KKT Vũng Áng và khu vực thị tứ, các xã trung tâm, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 45%.
Theo thống kê của Công ty Môi trường đô thị và các HTX môi trường trên địa bàn, nguồn phát sinh rác thải trên địa bàn huyện chủ yếu từ các hộ gia đình, chợ, khu thương mại, cơ quan, công sở, công trường xây dựng, rác công cộng và bệnh viện. Trong đó, rác tại hộ gia đình chủ yếu thành phần rác thực phẩm, giấy, nylon và nhựa; khoảng 79% khối lượng rác thải sinh hoạt là rác thực phẩm. Rác tại cơ quan, trường học chủ yếu là rác thực phẩm, giấy, nylon và nhựa,...Rác thải tại chợ chủ yếu là rác thực phẩm, là chất hữu cơ dễ phân hủy và túi nylon. Rác thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp chủ yếu là chai lọ, các loại cây cỏ khi tổ chức dọn dẹp vệ sinh,... Rác thải công nghiệp phát sinh từ việc xây dựng các công trình trên địa bàn chủ yếu là các loại gỗ thải, các phế thải, đất đá,...
Đến nay toàn huyện đã củng cố hoạt động của các đơn vị hoạt động thu gom, xử lý rác thải với 01 công ty và 8 hợp tác xã môi trường được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Việc vận hành công tác thu gom, vận chuyển rác thải đã được thực hiện theo mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác đạt khá, ý thức của người dân đối với hoạt động bảo vệ môi trường đã được nâng cao. Tuy nhiên, một số xã chưa có hợp tác xã môi trường dẫn đến rác thải bị đổ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, làm xấu mỹ quan. Các xã thuộc khu kinh tế Vũng Áng không được quy hoạch bãi rác phải vận chuyển đi xử lý xa làm tăng chi phí, các hợp tác xã không thu đủ trang trải cho hoạt động. Bãi rác của huyện tại thị trấn đã quá tải, việc xử lý không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường; Nhà máy xử lý rác tại Kỳ Tân chưa được triển khai xây dựng để đáp ứng kịp thời yêu cầu xử lý chất thải rắn cho huyện và KKT Vũng Áng. Công tác bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải chưa được quan tâm đúng mức; ngân sách hàng năm phân bổ cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiệm vụ đặt ra với huyện Kỳ Anh là phải giải quyết ngay những bất cập vướng mắc trong công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn từ nay đến hết năm 2015; giải quyết cơ bản yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu tỷ lệ thu gom xử lý rác thải tại khu vực thị trấn, khu kinh tế Vũng Áng và các thị tứ phải đạt trên 80%, các xã nông thôn, vùng miền núi phải đạt trên 50%. Đối với các khu vực chưa có hoạt động thu gom, xử lý thì rác thải phải được phân loại và xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải; từng bước giảm dần tiến tới cắt bỏ ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải.
Giải pháp thực hiện thường xuyên là tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải; Huy động vốn đầu tư để từng bước nâng cấp hệ thống hạ tầng, quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên toàn huyện. Tiếp tục quan tâm củng cố, từng bước nâng cao năng lực của các đơn vị hoạt động thu gom, xử lý rác thải, bao gồm việc tăng cường phương tiện, trang thiết bị. Tiếp tục xúc tiến thành lập mới các hợp tác xã môi trường tại các xã theo kế hoạch, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Môi trường đô thị và các hợp tác xã đã thành lập, kịp thời hỗ trợ đối với các hợp tác xã gặp khó khăn. Cần phải chỉ đạo để thống nhất quy chế thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, tránh trùng lặp, chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Soát xét quy hoạch các địa điểm điểm trung chuyển rác hợp vệ sinh, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị nông thôn mới lập dự án quy hoạch xây dựng bãi rác đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
Trước mắt, cần khẩn trương quy hoạch bãi rác tạm của huyện theo đề xuất của các phòng chuyên môn và Công ty Môi trường đô thị, việc lập dự án quy hoạch, xây dựng bãi rác tạm tại xã Kỳ Hưng với diện tích khoảng 02 ha sẽ đáp ứng yêu cầu xử lý rác của huyện và Khu kinh tế Vũng Áng từ nay đến hết năm 2015, đảm bảo xử lý hợp vệ sinh, đóng cửa bãi rác thị trấn vì đã quá tải. Đối với địa bàn các xã thuộc KKT Vũng Áng, UBND huyện phối hợp với Ban quản lý KKT Vũng Áng khảo sát lựa chọn địa điểm phù hợp để quy hoạch bãi rác tạm cho các xã thuộc KKT Vũng Áng đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý chôn lấp rác thải từ nay đến hết năm 2015.
Add New Comment