Đề nghị cải chính thông tin đăng tải trên báo Người cao tuổi điện tử
Ngày 19/3/2013, Báo Người cao tuổi điện tử có đăng bài “Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh: Quyết định cho phá hàng loạt nhà dân nhằm mục đích gì?” của Trần Mỹ và nhóm phóng viên. Nội dung bài báo phản ánh việc cưỡng chế các công trình vi phạm tại thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương. Đây là bài báo phản ánh thiếu khách quan, không trung thực, có nhiều điểm xuyên tạc, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo huyện Kỳ Anh, tác động tiêu cực đến công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đã và đang đầu tư phát triển trên địa bàn huyện.
Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh xin nói rõ toàn bộ nội dung thực tế của sự việc để quý Báo rõ và đề nghị cải chính lại:
Thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh là khu vực đã được nhà nước quy hoạch, công bố xây dựng một số dự án thuộc Khu kinh tế Vũng Áng. Nhằm tránh tình trạng cơi nới, xây dựng mới nhà cửa, công trình trái phép trên vùng đất đã có quy hoạch này, gây tổn thất tiền của cho nhân dân và xã hội, gây khó khăn, trở ngại cho công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, UBND huyện Kỳ Anh và UBND xã Kỳ Phương đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản, thông báo về việc nghiêm cấm cơi nới, xây dựng mới các công trình nhà cửa, trồng cây lâu năm trong khu vực này và hướng dẫn tuyên truyền, vận động thực hiện sâu rộng trong toàn thể nhân dân xã Kỳ Phương nói chung và thôn Ba Đồng nói riêng. Đơn cử:
- Ngày 10/12/2009, UBND huyện có Thông báo số 128/TB-UBND về tăng cường công tác quản lý các hình thức cơi nới, xây dựng mới công trình nhà cửa, trồng cây trong phạm vi các quy hoạch giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trong KKT Vũng Áng;
- Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh có Thông báo kết luận số 44-TB/TU ngày 24/01/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Thông báo số 187/TB-UBND ngày 01/7/2011 về việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giải phóng mặt bằng và nghiêm cấm, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong việc xây dựng, cơi nới công trình, nhà cửa ở các khu vực đã có quy hoạch tại địa bàn các xã trong KKT Vũng Áng;
- Ngày 16/02/2011, UBND huyện Kỳ Anh ban hành Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án và ngăn chặn các hình thức cơi nới, xây dựng trái phép; ngày 05/6/2012 ban hành Chỉ thị số 02/2012/CT-UBND về việc nghiêm cấm cơi nới, xây dựng mới công trình, nhà cửa, trồng cây lâu năm trên địa bàn thôn Đông Yên xã Kỳ Lợi, thôn Ba Đồng xã Kỳ Phương, thôn Minh Huệ xã Kỳ Nam; ngày 17/01/2013, ban hành Chỉ thị số 01/2013/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước, nghiêm cấm các hoạt động xây dựng, cơi nới công trình, nhà cửa trái phép, trồng cây lâu năm vi phạm quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện và nhiều văn bản khác có liên quan.
- Riêng UBND xã Kỳ Phương đã ban hành 09 thông báo gửi đến tận các thôn xóm và thông báo rộng rãi đến từng hộ gia đình về việc nghiêm cấm các hành vi vi phạm nói trên.
Tuy vậy, cuối năm 2012, có 29 hộ gia đình ở thôn Ba Đồng xã Kỳ Phương bất chấp pháp luật, không chấp hành quy định tại các văn bản nêu trên, vẫn cố tình xây dựng nhà cửa, các công trình trái phép trên vùng đất đã có quy hoạch nhằm mục đích hưởng chính sách đền bù của nhà nước. Chỉ tính trong khoảng thời gian ngắn từ ngày 20/12/2012 đến ngày 06/01/2013, các hộ gia đình này đã xây dựng 77 công trình. Điều đáng nói là các công trình này không phải xây dựng để ở mà với mục đích để hưởng đền bù nên hết sức tạm bợ, không bảo đảm chất lượng, nhiều công trình không làm móng, thậm chí có những công trình chỉ ghép đá sau đó dùng vữa đắp bên ngoài để che mắt cán bộ kiểm kê, đền bù.
Trước tình hình trên, UBND xã Kỳ Phương đã thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định đình chỉ, quyết định xử phạt gửi đến tận từng hộ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Anh đã chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc họp dân, giải thích, đối thoại trực tiếp; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp xã thành lập nhiều đoàn, tổ công tác trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, song họ vẫn không chấp hành, thậm chí còn tiếp tục vi phạm, xây dựng một cách ồ ạt.
Sau khi đã tiến hành đầy đủ các biện pháp, các thủ tục hành chính cần thiết theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không đạt được hiệu quả, nên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh buộc phải ban hành các Quyết định cưỡng chế để phá dỡ các công trình vi phạm nói trên. Trước khi thực hiện cưỡng chế, UBND huyện và UBND xã Kỳ Phương tiếp tục đến vận động các hộ với mong muốn người dân tự giác tháo dỡ, nhưng vẫn không có kết quả.
Với những việc làm như trên, có thể nói, để cưỡng chế những công trình xây dựng trái phép, vi phạm quy hoạch, vi phạm Luật Đất đai tại thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành. Chứ không phải: “vô cớ phá nhà dân” như quý Báo đã nêu.
Bên cạnh đó, trong bài báo có nhiều tình tiết xuyên tạc, cường điệu hóa, phản ánh sai sự thật, làm sai lệch nghiêm trọng bản chất sự việc, gây hiểu nhầm cho bạn đọc. Cụ thể như: việc phản ánh lực lượng bảo vệ cưỡng chế “ xúm vào đánh, xịt thuốc mê cho chị Lê Thị Lực bất tỉnh” khi chị đang chất vấn người chỉ huy ; hoặc việc “trèo tường, vượt cổng vào đánh” anh Lê Văn Hải trong lúc nhà anh không thuộc diện bị cưỡng chế; việc ông Lê Văn Hưng phản ánh con dâu của ông “đến can ngăn, bị đánh trọng thương” ; hoặc như việc đưa tin cha con ông Lê Hàm do chính quyền không cho tách hộ, không có chỗ ở nên phải xây dựng nhà ở trên đất này là không đúng, bởi trên thực tế cha con ông Lê Hàm đã được cấp 04 suất ở tái định cư, trong đó có 2 người đã làm nhà ở, còn 2 người con đến nay vẫn chưa làm nhà,...
Xin được trao đổi thêm, hiện nay, Kỳ Anh đã và đang triển khai GPMB cho 185 dự án, thu hồi 8.568 ha đất với 39.195 lượt hộ ảnh hưởng, 3.681 hộ di dời tái định cư, trong đó có dự án mang tầm quốc tế như Dự án luyện cán thép, lọc hóa dầu và cảng biển của Tập đoàn Formosa với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ USD (giai đoạn 1). Diện tích thu hồi cho dự án này là hơn 3000 ha. Để có mặt bằng sạch cho dự án, từ năm 2008 đến nay, Hội đồng GPMB huyện đã hoàn thành việc thu hồi 1.600 ha đất nông nghiệp của 05 xã: Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh và Kỳ Phương; di dời tái định cư 2.563 hộ gia đình; cất bốc, di dời 13.253 ngôi mộ, 35 nhà thờ họ, 01 nhà thờ Thiên chúa giáo phải di dời. Đến thời điểm này, 100% số hộ thuộc diện tái định cư của dự án Formosa đã ổn định cuộc sống tại các khu tái định cư mới. Với những kết quả xuất sắc trong công tác đền bù, GPMB, huyện Kỳ Anh đã được Chính phủ, UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Với các cơ sở nêu trên, UBND huyện Kỳ Anh đề nghị Tổng biên tập báo Người cao tuổi điện tử cải chính những thông tin sai lệch đã đưa trong bài báo ngày 19/3/2013 theo quy định tại Điều 9 và Điều 15 Luật Báo chí ( đã được bổ sung, sửa đổi năm 1999) .
Chúng tôi hi vọng sớm nhận được phản hồi của quý Báo trong thời gian sớm nhất.
Trân trọng.
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Bổng
Add New Comment