Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ của đồng chí Bí thư, chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện tháng 11.2024   |   

"Nêu gương sáng, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”

  

18:51 03/07/2020

"Tuổi già nhưng ý chí không già, còn sức khỏe là còn tham gia lao động sản xuất", đó là phương châm của người cao tuổi huyện Kỳ Anh. Họ lao động không chỉ để bảo đảm cuộc sống, cùng địa phương phát triển các mô hình trong xây dựng nông thôn mới mà còn là cách để con cháu thấy được ý nghĩa của việc lao dộng sản xuất, không dựa dẫm, ỷ lại. Bà Nguyễn Thị Tiếp ở thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, mặc dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày, bà vẫn hăng say với các hoạt động sản xuất. Với sự cần mẫn lao động, giờ đây gia đình bà ngày càng khá giả nhờ mở rộng chăn nuôi lợn và các loại cây con. Theo tính toán, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân, gia đình ông bà  thu trên 200 triệu đồng mỗi năm, trở thành tấm gương cho con cháu học tập và noi theo.

Còn tại thôn Kim Nam Tiến, xã Kỳ Tiến, ông Lê Ngọc Hào dù con cái đã trưởng thành, có cuộc sống khá giả nhưng ông vẫn tham gia sản xuất, chăn nuôi, mua máy xay xát để phục vụ bà con nhân dân trong vùng. Từ các hoạt động thường xuyên này, thu nhập mỗi năm  của gia đình gần 250 triệu đồng - một con số không hề nhỏ với sức lao động ở độ tuổi này. Họ không những làm gương cho thế hệ trẻ ở tinh thần hăng say lao động sản xuất mà còn là sự chịu khó, dám nghĩ dám làm, vươn lên trong cuộc sống.

Còn tại các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất ông cha để lại, sau khi về hưu, ông Nguyễn Hữu Thanh, ở thôn Lạc Sơn, xã Kỳ Lạc đã xây dựng mô hình vườn chuồng với các loại cây hoa màu, cây lâu năm, cây ăn quả và chăn nuôi ... Bằng  ý chí, nghị lực, ông đã khắc phục khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Với đức tính cần cù, chịu khó, ông luôn chủ động tìm tòi qua các kênh thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế theo hình thức vườn chuồng đạt hiệu quả cao. Từ đó, ông đã vận dụng linh hoạt vào xây dựng mô hình gia trại phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Giờ đây, vườn cây của ông luôn xanh tốt cho thu nhập ổn định, gia súc, gia cầm chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật nên tránh được nhiều dịch bệnh. Vừa hăng say lao động sản xuất, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ông Hào trở thành tấm gương sáng cho nhân dân trong vùng noi theo.

Là một trong những gia đình đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây ăn quả sang trồng hoa đào, gia đình ông Hoàng Đức Phú, ở thôn Trường Lạc, xã Kỳ Tân đã gắn bó với nghề trồng đào hơn 10 năm. Chỉ vài cây ban đầu được nhen nhóm dần, đến nay, ông Phú đã tự ươm giống và trồng xen 150 cây đào vào giữa các luống cây ăn quả.... từng bước đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích hơn 2 sào, biết khai thác các điều kiện lợi thế về đất đai, và kỹ thuật chăm sóc, mỗi tết gia đình ông thu được hơn 150 triệu đồng, đưa lại thu nhập ổn định trên một đơn vị canh tác.

Còn đây là mô hình vườn mẫu của ông Võ Văn Tường ở thôn Hải Vân, xã Kỳ Đồng. Trên diện tích hơn 5 nghìn m2 ông đã trồng các loại cây ăn quả như: Ổi Lê Đài loan, chuối tiêu hồng cùng nhiều loại cây ăn quả có giá trị, hiện khu vườn cây trái trĩu cành… Nếu như 3 năm về trước toàn bộ diện tích đất vườn của gia đình ông  Tường chỉ được tận dụng để gieo trồng một số loại cây nông nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu… hiệu quả kinh tế mang lại bấp bênh, thì giờ đây, sau khi đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình trồng cây ăn quả, ông Tường đã quyết định đưa cây Ổi Lê đài loan và cây chuối tiêu hồng vào trồng trên toàn bộ diện tích đất vườn. 2 loại cây này cho sản phẩm quanh năm, bán được giá, lại được thị trường tiêu thụ ổn định. Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, cộng thêm việc tuân thủ quy trình chăm sóc, đến nay, gia đình ông Tường đã phát triển được trên 400 gốc ổi Đài Loan. So với các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác như đậu, lạc thì cây ổi đưa lại nguồn thu nhập gấp gần 10 lần.

Hội Người cao tuổi huyện Kỳ Anh hiện có trên 14.500 hội viên sinh hoạt ở 20 tổ chức hội. Những năm qua, Hội Người cao tuổi huyện đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc động viên, thúc đẩy phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, từ nỗ lực phát triển kinh tế, nhiều hội viên còn tích cực tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khác trong chi hội cùng làm kinh tế, động viên, giúp đỡ con cháu vươn lên làm giàu chính đáng. Với vai trò là lớp “cây cao bóng cả”, những năm qua, cùng với xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Hội Người cao tuổi huyện Kỳ Anh luôn động viên hội viên tích cực đi đầu trong mọi phong trào, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Phát huy vai trò của người cao tuổi, tích cực tham gia các phong trào, sống vui, sống khỏe, nhiều hội viên người cao tuổi đã nỗ lực vươn lên trở thành điển hình trên các lĩnh vực, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

Vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa nêu gương sáng trong đạo đức, lối sống, hội viên người cao tuổi Kỳ Anh đã đóng góp tích cực vào các phong trào của địa phương. Bên cạnh thi đua lao động sản xuất,  Hội NCT huyện Kỳ Anh còn tổ chức tốt việc thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển mạnh ở các Câu lạc bộ của người cao tuổi. Qua đó không chỉ cải thiện đời sống vật chất, mà còn làm phong phú đời sống tinh thần, khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi trong đời sống xã hội, nêu gương sáng cho các thế hệ con cháu, và tự mình “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Thúy Nga - Phạm Tuấn - Anh Đức

Add New Comment

 Your Comment has been sent successfully. Thank you!   Refresh
Error: Please try again