Giấy mời tiếp dân định kỳ của đồng chí Bí thư, chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện tháng 11.2024   |    Công bố công khai thực hiện dự toán quý III năm 2024   |    Công bố công khai quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023   |    Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND, Ban hành Quy định một số nội dung của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh   |    Thông báo kết quả Tiếp công dân ngày 05/11/2024   |   

Một số Chính sách, Pháp luật có hiệu lực từ tháng 10 năm 2022

  

18:51 03/10/2022

Trong tháng 10/2022 có 04 Nghị định, 25 Thông tư, 02 Quyết định chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:

1. Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 01/10/2022

Theo đó, từ ngày 01/10/2022, hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ bị đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.

Nghị định cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền. Theo đó, 2 trường hợp áp dụng gồm: Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng; Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền.

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

2. N ghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh , có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.

Theo Nghị định , Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gọi tắt là Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Nghị định nêu rõ, thông tin được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu gồm:

- Thông tin về tiếp công dân: Họ tên, địa chỉ của công dân; nội dung, kết quả tiếp công dân.

- Thông tin về xử lý đơn: Loại đơn như đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; đơn đủ điều kiện xử lý; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết; đơn trả lại và hướng dẫn gửi đơn; đơn rút…

- Thông tin về khiếu nại: Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; tóm tắt nội dung khiếu nại và tình hình giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; quyết định giải quyết khiếu nại; kết quả thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

- Thông tin về tố cáo: Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo; tóm tắt nội dung tố cáo và tình hình giải quyết tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; kết quả thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

- Thông tin về kiến nghị, phản ánh: Họ tên, địa chỉ của người kiến nghị, phản ánh; tóm tắt nội dung kiến nghị, phản ánh; kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh.

- Báo cáo định kỳ, báo cáo vụ việc, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh cập nhật theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

3. Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính Phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022

Theo đó, Nghị định có 3 mức độ tài khoản định danh điện tử là: tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của cá nhân (gồm các thông tin cá nhân như số định danh cá nhân, họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính); tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân (gồm các thông tin của mức độ 1 và có thêm thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay); tài khoản định danh điện tử của tổ chức (gồm mã định danh điện tử, tên tổ chức bằng tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có), tên tiếng nước ngoài (nếu có), ngày thành lập, địa chỉ nơi đặt trụ sở chính, số định danh, họ tên người đại diện theo pháp luật/người đứng đầu của tổ chức).

Chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam sẽ không phải thanh toán chi phí đăng ký tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử. Trong khi đó, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ xác thực điện tử phải thanh toán chi phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật. Cũng theo nghị định, người từ đủ 14 tuổi trở lên được cấp tài khoản định danh điện tử.

4. Thông tư  số 55/2022/TT-BTC ngày 24/8/2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 238/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của bộ tài chính quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 08/10/2022.

Theo đó, mức giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm) đối với xe cơ giới đang lưu hành như sau:

- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng: 570.000 đồng;

- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và các loại máy kéo: 360.000 đồng;

- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn: 330.000 đồng;

- Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn: 290.000 đồng;

- Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 190.000 đồng;

- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc: 190.000 đồng;

- Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt: 360.000 đồng;

- Xe ô tô chở người từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe): 330.000 đồng;

- Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe): 290.000 đồng;

- Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương: 250.000 đồng;

- Xe ba bánh và các loại phương tiện vận chuyển tương tự: 110.000 đồng.
Như vậy, So với hiện hành tại Thông tư số 238/2016/TT-BTC thì giá đăng kiểm ô tô tăng thêm 10.000 đồng

5. Thông tư số 14/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/8/2022 của Bộ LĐTBXH quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/10/2022

Theo đó, công tác hỗ trợ khởi nghiệp nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm cho người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp, chủ động tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, hỗ trợ người học khởi nghiệp và tự tạo việc làm; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; tăng cường nguồn lực xã hội hóa, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và tự tạo việc làm của người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư nêu rõ, cần tuyên truyền, giáo dục cho người học nhận biết về vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tự tạo việc làm; cập nhật xu hướng giáo dục toàn cầu; các chương trình giáo dục khởi nghiệp của địa phương, quốc gia và thế giới; các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của nhà nước; các vườn ươm, không gian khởi nghiệp, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài.

Hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite; các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Sẽ tổ chức tuyên truyền, giáo dục khởi nghiệp cho người học thông qua các hoạt động giáo dục; các video clip, hình ảnh, ấn phẩm; qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.

Tổ chức cuộc thi, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, ngày hội khởi nghiệp, giao lưu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho người học; xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp.

Thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mạng lưới cựu học sinh, sinh viên đã tham gia khởi nghiệp.

Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp; tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp và kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của người học với các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp…

6. Thông tư số 08/2022/TT-BNNPTNT ngày 11/8/2022  của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức ngành NN&PTNT, có hiệu lực từ ngày 06/10/2022.

Theo đó, các ngạch công chức ngành NN&PTNT áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:

- Ngạch kiểm lâm viên chính, kiểm ngư viên chính, thuyền viên kiểm ngư chính được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

- Ngạch kiểm dịch viên chính động vật, kiểm dịch viên chính thực vật, kiểm soát viên chính đê điều được áp dụng hệ số lương công chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Ngạch kiểm dịch viên động vật, kiểm dịch viên thực vật, kiểm soát viên đê điều, kiểm lâm viên, kiểm ngư viên, thuyền viên kiểm ngư được áp dụng hệ số lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

- Ngạch kỹ thuật viên kiểm dịch động vật, kỹ thuật viên kiểm dịch thực vật, kiểm soát viên trung cấp đê điều, kiểm lâm viên trung cấp, kiểm ngư viên trung cấp, thuyền viên kiểm ngư trung cấp được áp dụng hệ số lương công chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Mức lương cơ sở năm 2022 là 1.490.000 đồng/tháng.

7. Thông tư  số 13/2022/TT-BTTTT ngày 26/8/2022  của Bộ Thông tin Truyền thông quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông, có hiệu lực từ ngày 10/10/2022.

Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư 13/2022/TT-BTTTT, các chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, như sau:

- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, biên dịch viên hạng II, đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Việc xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức mới thuộc ngành thông tin và truyền thông được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV .

8. Thông tư số 07/2022/TT-BNV ngày 31/8/2022 của Bộ Nội vụ về chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ, có hiệu lực từ ngày 15/10/2022.

Theo đó, trong quy định về tiêu chuẩn trình độ, đào tạo bồi dưỡng với các chức danh viên chức ngành lưu trữ thì không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với từng vị trí.

Hiện hành, tại Thông tư 13/2014/TT-BNV yêu cầu từng chức danh phải đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học tùy theo hạng.

Đơn cử như đối với chức danh nghề nghiệp Lưu trữ viên hạng III (Mã số: V.01.02.02) phải:

- Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Công chức trong các cơ quan, tổ chức làm công tác lưu trữ được áp dụng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ theo văn bản để thực hiện.

9. Bên cạnh các văn bản có hiệu lực như đã nêu ở trên, từ ngày 01/10/2022, Nghị quyết số 116/NĐ-CP ngày 24/9/2021 của chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ hết hiệu lực.

Trước đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, tại Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động.

Cụ thể, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ ngày 01/10/2021 đến 30/9/2022.

Người sử dụng lao động được giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, sang tháng 10/2022, chính sách hỗ trợ này sẽ chính thức kết thúc. Các doanh nghiệp sẽ phải quay trở lại mức đóng 1% cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh

Add New Comment

 Your Comment has been sent successfully. Thank you!   Refresh
Error: Please try again