MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI
CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 3/2019
Quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, ký kết quả giám định y khoa hay môi giới con nuôi dưới 16 tuổi, quy định giờ học tiếng Anh đối với sinh viên cao đẳng… là những chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2019.
1. Hộ nghèo được vay tối đa 100 triệu đồng từ 1/3/2019
Kể từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.
Đồng thời, nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.
2. Quy trình trao đổi, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư
Thông tư 01/2019/TT-BNV quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2019.
Thông tư quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư bao gồm: quản lý văn bản điện tử đến, quản lý văn bản điện tử đi, lập và nộp lưu hồ sơ điện tử vào Lưu trữ cơ quan; chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử.
3. Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong cơ quan Nhà nước
Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước với nhiều quy định thể hiện sự đơn giản hóa trong chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước, như:
- Chế độ báo cáo chỉ được ban hành khi thật sự cần thiết để phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước và người có thẩm quyền;
- Chế độ báo cáo phải bảo đảm rõ ràng, khả thi và không trùng lắp với chế độ báo cáo khác; Giảm tối đa yêu cầu về tần suất báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, chuyển dần từ báo cáo bằng văn bản giấy sang báo cáo điện tử.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/03/2019.
4. Bệnh án điện tử: Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý
Đây là thông tin được nêu tại Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử.
Theo đó, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy;
- Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử;
- Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2019.
5. Trao nhầm trẻ sơ sinh là sự cố y khoa nghiêm trọng
Thông tư 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 01/3/2019.
Theo đó, Bộ Y tế vừa thống kê Danh mục sự cố y khoa nghiêm trọng, trong đó trao nhầm trẻ sơ sinh được xếp là sự cố nghiêm trọng liên quan đến quản lý người bệnh.
Sự cố nghiêm trọng liên quan đến chăm sóc tại cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm các sự cố như: Sản phụ tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng liên quan đến quá trình chuyển dạ, sinh con…
Khi phát hiện ra sự cố y khoa, nhân viên y tế có trách nhiệm xử lý ngay để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
6. Người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên
Theo Thông tư 49/2018/TT-BYT hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh, người ký kết quả xét nghiệm phải có trình độ đại học trở lên.
Cụ thể, trưởng khoa xét nghiệm sẽ là người trực tiếp ký kết quả xét nghiệm hoặc nếu phân công bác sỹ chuyên khoa, kỹ thuật viên xét nghiệm ký kết quả xét nghiệm thì người đó phải có trình độ đại học trở lên.
Ngoài ra, Thông tư yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm hoạt động xét nghiệm cần đảm bảo an toàn xét nghiệm và vệ sinh lao động.
Đặc biệt các khoa, phòng, trung tâm xét nghiệm cần phối hợp với các khoa lâm sàng và khoa khám bệnh tổ chức công tác lấy, tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, công tác thường trực xét nghiệm và phòng chống dịch liên tục 24 giờ/ngày.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
7. Mức tiền thưởng phòng, chống tội phạm ma túy
Mức tiền thưởng phòng, chống tội phạm ma túy được thực hiện theo Quyết định 04/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tội phạm.
Theo đó, Quỹ được sử dụng để chi cho các nội dung sau:
- Thưởng tiền đột xuất cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Cụ thể:
+ Đối với cá nhân, tối đa là 5 triệu đồng/người/lần khen thưởng;
+ Đối với tập thể, tối đa là 20 triệu đồng/tập thể/lần khen thưởng.
- Hỗ trợ tiền đền bù, trợ cấp đột xuất với gia đình và người trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.
8. Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự
Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:
- Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
- Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
9. Hướng dẫn của Tòa án tối cao về lãi, lãi suất, phạt vi phạm
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
Nghị quyết này hướng dẫn cụ thể về:
- Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng;
- Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 1995;
- Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 2005;
- Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 2015;
- Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả;
- Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng;
- Xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 305 của Bộ luật Thương mại 2005…
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
10. Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, toàn bộ biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sẽ được thay thế bởi biểu mẫu mới theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT.
Một số biểu mẫu điển hình được thay thế như:
- Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh…
- Mẫu Thông báo và các văn bản khác do doanh nghiệp phát hành: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật…
Các mẫu văn bản này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc từ ngày 11/03/2019.
11. Ngày 8/3, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP được áp dụng tại Việt Nam
Theo Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thì hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó:
- Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;
- Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;
- Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I của Thông tư này;
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 8/3/2019.
12. Quy chế về quản lý mạng lưới tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Ngày 31/12/2018, NHNN ban hành Thông tư 53/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của TCTD phi ngân hàng.
Theo đó, TCTD phi ngân hàng phải xây dựng Quy chế về quản lý mạng lưới gồm các nội dung tối thiểu như sau:
- Cơ cấu tổ chức, nhân sự;
- Nội dung, phạm vi hoạt động, cơ chế hạch toán kế toán;
- Hạn mức rủi ro theo từng hoạt động KD, hoạt động nghiệp vụ đối với một khách hàng, nhóm khách hàng và tất cả khách hàng của chi nhánh;
- Cơ chế quản lý, giám sát của trụ sở chính đối với đối tượng thuộc mạng lưới để đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động;
- Tiêu chuẩn, điều kiện của GĐ, PGĐ chi nhánh, Trưởng các bộ phận chuyên môn, người đứng đầu văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.
Thông tư 53/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.
13. Lợi nhuận trong dịch vụ nghĩa trang, mai táng không quá 5%
Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 14/2018/TT-BXD hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ hỏa táng.
Theo đó, lợi nhuận tối đa trong các dịch vụ này sẽ không quá 5%.
Ngoài ra, giá dịch vụ tổ chức tang lễ; chăm sóc mộ, tu sửa mộ; bảo quản, lưu trữ tro cốt và dịch vụ phục vụ việc thăm viếng, tưởng niệm được xác định theo mặt bằng giá dịch vụ đã hình thành trên thị trường hoặc giá dịch vụ thỏa thuận giữa 02 bên tùy theo yêu cầu và chất lượng cung cấp dịch vụ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
14. Gara ô tô có chiều cao không quá 9 tầng
Đây là một trong những nội dung trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gara ôtô do Bộ Xây dựng ban hành quy định tại Thông tư 12/2018/TT-BXD.
Theo đó, Quy chuẩn này đặt ra một số yêu cầu đối với gara ô tô như sau:
- Các gara ô tô mặt đất chỉ được phép xây dựng với chiều cao không quá 09 tầng, các gara ô tô ngầm không quá 05 tầng ngầm (ngoại trừ các ga ra ô tô cơ khí).
- Kích thước tối thiểu của một chỗ đỗ xe là chiều dài 5m, chiều rộng 2,3m (đối với chỗ đỗ dành cho xe có người khuyết tật sử dụng xe lăn là 3,5m)…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2019.
15. Sinh viên cao đẳng phải học 120 giờ môn Tiếng Anh
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH về chương trình học môn Tiếng Anh trong trường trung cấp, cao đẳng.
Theo đó, sinh viên cao đẳng phải học Tiếng Anh với thời gian là 120 giờ/khóa học; sinh viên cao đẳng khi tốt nghiệp phải đạt trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định 02 trường hợp được miễn học và thi Tiếng Anh gồm:
- Có chứng chỉ Tiếng Anh bậc 2 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Có chứng chỉ Tiếng Anh tương đương cấp độ A2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu do các tổ chức nước ngoài cấp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
16. Bổ sung gần 80 ngành nghề trung cấp, cao đẳng
Thông tư 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BLĐTBXH.
Các ngành, nghề bổ sung thuộc 14 lĩnh vực như: Sư phạm, pháp luật, nghệ thuật, báo chí, kinh tế…
Cụ thể, trình độ cao đẳng có các ngành như: Sư phạm kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật biểu diễn dân ca, tạp kỹ, tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch, tiếng Anh lễ tân nhà hàng - khách sạn, dịch vụ pháp lý doanh nghiệp…
Bậc trung cấp có các ngành như: Quản lý siêu thị, trợ lý tổ chức đấu giá tài sản, công nghệ gia công bao bì, nông nghiệp công nghệ cao…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
17. Tập thể dục, thể thao 3 lần/tuần được coi là thường xuyên tập luyện
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BVHTTDL quy định về đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng.
Theo đó, Thông tư đề ra một số tiêu chí đáng chú ý như sau:
- Người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là người tập luyện mỗi tuần ít nhất 03 lần; mỗi lần tập luyện ít nhất 30 phút;
- Gia đình thể thao là hộ gia đình có tổng số thành viên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên chiếm từ 50% trở lên tổng số thành viên trong gia đình…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/3/2019.
18. Quy định quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước
Nghị định 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2018,
19. Giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN
Từ ngày 20/03/2019, Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học công nghệ (KH&CN) chính thức có hiệu lực.
Nghị định số 13/2019/NĐ-CP đã giảm bớt các điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp như: đơn giản hóa việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả KH&CN bằng quy định doanh nghiệp có thể tự cam kết về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả KH&CN và có thể bị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận nếu bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực KH&CN đều có thể chứng nhận doanh nghiệp KH&CN…
Nghị định 13/2019/NĐ-CP đã giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN từ 30 ngày làm việc xuống còn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp.
Nghị định bổ sung điều kiện về tỷ lệ doanh thu 30% từ kết quả KH&CN làm điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Điều kiện này đảm bảo khi được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp KH&CN sẽ được hưởng ngay lập tức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm tích tụ được nguồn vốn để đầu tư phát triển.
Nghị định quy định cụ thể hơn về các ưu đãi tín dụng, ưu đãi đất đai dành cho doanh nghiệp KH&CN; bổ sung trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về KH&CN địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục miễn giảm tiền thuê đất; bổ sung các hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN của doanh nghiệp KH&CN…/.
20. Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có hiệu lực từ ngày 10/3/2019.
21. Sửa quy định hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân
Nghị định 11/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có quy định thủ tục hành chính liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.
Trong đó, Nghị định 11/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Add New Comment