Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |    Giấy mời tiếp dân định kỳ của đồng chí Bí thư, chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND huyện tháng 11.2024   |   

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 02/2019

  

13:16 15/03/2019

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 02/2019

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI

CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 02/2019

Hàng loạt chính sách mới như: Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH; Chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chi; Chương trình giáo dục phổ thông mới … sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2019.

1. Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH từ 2019

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Từ ngày 1/1/2019, tiền lương tháng đã đóng BHXH với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định… được điều chỉnh theo công thức:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2019, áp dụng từ ngày 1/1/2019.

2. Quy định mới về thời gian tập sự đối với giáo viên, giảng viên

Từ ngày 8/2/2019, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên/giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự trong các trường hợp cụ thể như sau:

- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng (quy định hiện hành giáo viên THPT chỉ cần tập sự 9 tháng);

- Tuyển dụng vào chức danh giáo viên THCS hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng;

- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.

Thời gian tập sự trên áp dụng kể từ ngày 15/01/2019, những trường hợp tuyển dụng trước ngày 15/01/2019 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016.

3. Chính thức có Chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.

Đáng chú ý, có nhiều môn học mới sẽ xuất hiện trong Chương trình học của nhiều cấp học, điển hình như:

- Cấp tiểu học: Có môn học mới là Tin học và Công nghệ, bên cạnh các môn học trước đây như: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý…

- Cấp trung học cơ sở: Môn Tin học trở thành môn học bắt buộc, ngoài ra môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học và Tự nhiện sẽ có cách thức tổ chức mới.

- Cấp trung học phổ thông: Học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.

4. Bổ sung nhiều nhà tù để xác nhận người hoạt động cách mạng

Thông tư 02/2019/TT-BLĐTBXH đã thay đổi Danh mục nhà tù và những nơi bị coi là nhà tù trong các thời kỳ kháng chiến để xem xét xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đầy.

Danh mục mới bổ sung loạt nhà tù và những nơi được coi là nhà tù, như:

- Tại tỉnh An Giang, có thêm tiểu khu Long Xuyên, tiểu khu Châu Đốc, chỉ khu quận An Phú, chỉ khu quận Tân Châu, chỉ khu quận Chợ Mới, chủ khu Huệ Đức…

- Tại tỉnh Bắc Giang, có thêm đồn Con Voi xã Trung Sơn, huyện Việt Yên; Bốt Kim Sa xã Đan Hội, huyện Lục Nam…

Ngoài ra, Thông tư còn nêu cụ thể thời gian tồn tại của các nhà tù nói trên.

Thông tư này được ban hành ngày 08/01/2019, có hiệu lực từ ngày 21/2/2019.

5. Bộ trưởng được đi xe công giá đến 1,1 tỷ đồng

Ngày 11/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan Nhà nước.

Trong đó, Nghị định nêu rõ:

- Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên 01 ô tô, kể cả đã nghỉ công tác và không quy định mức giá;

- Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được sử dụng 01 xe ô tô có giá tối đa 1,1 tỷ đồng trong thời gian công tác;

- Thứ trưởng, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.

Trường hợp người tiền nhiệm nghỉ, chuyển công tác hoặc thôi giữ chức vụ, ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thanh lý, thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới.

6. Hướng dẫn xác định tuổi của người bị buộc tội dưới 18 tuổi

Theo Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ sau:

- Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh;

- Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu.

Nếu các giấy tờ trên có mâu thuẫn thì cơ quan tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, nhà trường, đoàn thanh niên… để hỏi, lấy lời khai, hoặc tìm các tài liệu khác chứng minh về tuổi của người đó.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 5/02/2019.

7. Ban hành danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia

Nội dung đáng chú ý này được quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.

Theo đó, 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 bao gồm:

- Gạo; Cà phê; Cao su; Điều; Hồ tiêu;

- Chè; Rau, quả; Sắn và sản phẩm từ sắn;

- Thịt lợn; Thịt và trứng gia cầm;

- Cá tra; Tôm; Gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/2/2019.

8. Kiểm lâm bị thương được hưởng chính sách như thương binh

Nghị định đầu tiên của năm 2019 là Nghị định 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Theo Nghị định này, kiểm lâm được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, kiểm lâm được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định để thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng, tuần tra, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp.

Nghị định này được ban hành ngày 1/1/2019, có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.

9. Điều kiện mới để doanh nghiệp phát hành trái phiếu không chuyển đổi

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/02/2019.

Theo đó, đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền thì điều kiện để phát hành là:

- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH được thành lập và có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu:

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh;

+ Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định.

(Hiện tại chỉ yêu cầu là doanh nghiệp có thời gian hoạt động tối thiểu 01 năm kể từ ngày chính thức hoạt động)

- Có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định;

- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định;

Ngoài ra, quy định thêm những điều kiện mới so với quy định hiện hành như:

- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định;

- Đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu theo quy định;

- Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành (nếu có).

10. Chi 200 triệu đồng để mua tin thuốc lá nhập lậu

Thuốc lá lậu bảo đảm chất lượng sẽ được đấu giá, tiền thu được sẽ chi cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá theo Thông tư 122/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/2/2019.

Ngoài ra, tiền có được từ đấu giá sẽ được chi cho các khoản sau:

- Chi mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc;

- Chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm;

- Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được số tiền thu được do đấu giá thì cơ quan, đơn vị được giao tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.

11. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2019

Ngày 26/12/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 55/2018/TT-BCT quy định về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019.

Theo đó, lượng thuốc lá nguyên liệu (có mã HS là 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 là 56.284 tấn (tăng 2.68 tấn so với năm 2018). Thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu, có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thuốc lá điếu được xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan.

Bộ Công Thương có trách nhiệm xác định thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu cho các thương nhân có nhu cầu. Ngoài ra, căn cứ lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2019 và đăng ký của thương nhân để Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/2/2019 đến hết ngày 31/12/2019

12. 5 điều kiện để chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy

Từ ngày 10/2/2019, Nghị định 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, việc chuyển đổi từ chứng từ điện tử (CTĐT) sang chứng từ giấy phải đáp ứng đủ 05 điều kiện (so với quy định hiện hành chỉ yêu cầu đáp ứng 03 điều kiện) thì mới được chuyển đổi, đơn cử như:

- Phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung của CTĐT;

- Có thông tin thể hiện CTĐT đã được xử lý trên hệ thống thông tin và tên của hệ thống thông tin hoặc tên của chủ quản hệ thống thông tin;

- Có mã định danh của CTĐT để phục vụ việc tra cứu, xác minh thông tin hoặc có họ tên, chữ ký của người thực hiện chuyển đổi;

- Tra cứu được tại bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hệ thống thông tin hoạt động bình thường;…

13. Không có nợ xấu 2 năm liên tiếp được vay vốn đầu tư ra nước ngoài

Thông tư 36/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/02/2019, quy định cụ thể về điều kiện vay vốn để đầu tư ra nước ngoài, gồm:

- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự; nếu khách hàng là cá nhân phải từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có 02 năm liên tiếp không phát sinh nợ xấu tính đến thời điểm đề nghị vay vốn;

- Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép;

- Có dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài được tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi và khách hàng có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng.

Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng.

14. Lộ trình chuyển đổi thẻ ATM sang thẻ chip

Lộ trình này được bổ sung tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Lộ trình chuyển đổi được quy định như sau:

- Đến 31/12/2019, ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;

- Đến 31/12/2020, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa;

Trong thời gian chuyển đổi, tổ chức phát hành thẻ và tổ chức thanh toán thẻ phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định, an toàn và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/2/2019.

15. Doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng

Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được thực hiện theo Thông tư 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính từ ngày 15/02/2019.

Chế độ này áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/04/2019, có một số điểm đặc biệt sau:

- Về tổ chức bộ máy: Doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải có kế toán trưởng.

- Về Sổ kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp. Nếu không tự xây dựng được thì sử dụng biểu mẫu và phương thức ghi chép tại Thông tư này;

- Về phương pháp kế toán: Doanh nghiệp siêu nhỏ không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập…

16. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực vàng

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kèm theo mã HS thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực vàng cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành tại Thông tư số 47/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2/2019.

Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước là vàng nguyên liệu, được mô tả là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác, ngoại trừ vàng dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm, có mã số HS là 7108.12.10 hoặc 7108.12.90.

17. Hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm

Ngày 28/12/2018, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 22/2018/TT-BTTTT quy định cụ thể Danh mục hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019. Theo đó, hàng hóa khi nhập khẩu theo danh mục dưới đây phải có giấy phép của Bộ TT&TT (chỉ áp dụng đối với hàng hóa có mã số HS 08 số):

Trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa trong Danh mục thực hiện theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ.

Hàng hóa trong lĩnh vực in có mã số HS thuộc các nhóm: 84.40, 84.41, 84.42 và hàng hóa của nhóm 84.43 quy định tại Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính nhưng không được liệt kê trong Danh mục trên khi nhập khẩu không phải có giấy phép nhập khẩu của Bộ TT&TT.

Thông tư cũng quy định hàng hóa trong Danh mục trên khi xuất khẩu không phải có giấy phép giấy phép xuất khẩu của Bộ TT&TT. Đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, Thông tư cũng quy định cụ thể danh mục hàng hóa theo mã số HS và hình thức quản lý. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tại Thông tư số 22/2018/TT-BTTTT trên Cổng Thông tin điện tử hải quan.

18. Nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền

Ngày 25/12/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 38/2018/TT-NHNN quy định về việc nhập khẩu hàng hoá phục vụ hoạt động in, đúc tiền. Theo đó, danh mục hàng hóa chỉ định cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại; Giấy in tiền; Mực in tiền; Máy in tiền; Máy ép foil chống giả; Foil chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý; Máy đúc, dập tiền kim loại.

Khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ sở in, đúc tiền gửi Cơ quan hải quan 1 bản chính văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước kèm hồ sơ nhập khẩu theo quy định của cơ quan hải quan. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/2/2019.

Phòng Tư pháp huyện Kỳ Anh

Add New Comment

 Your Comment has been sent successfully. Thank you!   Refresh
Error: Please try again