Giấy mời tiếp dân định kỳ ngày 5.12.2024   |    Chính sách pháp luật mới   |    Quyết định xử phạt vi phạm hành chính   |    Thông báo Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy tại phiên tiếp công dân định kỳ tháng 11 năm 2024   |    Tài liệu tập huấn, tuyên truyền về Luật Tiếp cận thông tin   |   

Đồn Biên phòng Kỳ Khang phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới biển

  

09:10 18/02/2019

Đồn Biên phòng Kỳ Khang thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, có nhiệm vụ trọng tâm là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì phối hợp với các lực lượng vũ trang, các ngành có liên quan trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh một phần tuyến biên giới vùng biển miền Trung

Đồn Biên phòng Kỳ Khang thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, có nhiệm vụ trọng tâm là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì phối hợp với các lực lượng vũ trang, các ngành có liên quan trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh một phần tuyến biên giới vùng biển miền Trung và địa bàn 05 xã ven biển [1] thuộc huyện và thị xã Kỳ Anh, với 32,5km bờ biển, diện tích 9.363ha, 12.056 hộ dân; trong đó,  tỷ lệ đồng bào công giáo lên tới 16,1%. Đặc điểm đó cho thấy, đây là địa bàn giàu tiềm năng, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về an ninh, trật tự. Đặc biệt, trên tuyến biên giới biển mà Đồn đảm nhiệm quản lý, bảo vệ, tình hình xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài và các hoạt động khai thác hải sản trái phép, tranh chấp ngư trường, buôn lậu, gian lận thương mại,… có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Trên tuyến ven biển, kinh tế - xã hội các xã ven bờ phát triển chưa đồng đều; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, v.v.  Lợi dụng khó khăn đó và nhân việc thực hiện chính sách chi trả, đền bù sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung (liên quan đến công ty FORMOSA) của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch đã cấu kết với các chức sắc, linh mục tôn giáo cực đoan, kích động nhân dân khiếu kiện, đòi yêu sách, gây mất an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy Đồn đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan, triển khai toàn diện các mặt công tác, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhằm  xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biên giới biển được phân công, góp phần giữ vững ổn định an ninh - chính trị (chính trị - TTATXH) địa bàn, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với những thành tích suất sắc, Đồn đã vinh dự được Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng Tỉnh, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh; huyện Kỳ Anh; thị xã Kỳ Anh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, tạo động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, Đồn rút ra một số kinh nghiệm, đồng thời cũng là những giải pháp đã, đang thực hiện có hiệu quả trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới biển và được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau.

Một là, chủ động làm tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, biện pháp xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, tạo cơ sở bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh tuyến biên giới  biển. Quán triệt sâu sắc quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng và trên cơ sở bám sát đặc điểm địa bàn; chức năng, nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền huyện và thị xã  Kỳ Anh các chủ trương, đối sách bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới vùng biển theo phương châm “Trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả”. Trong đó, nội dung tham mưu tập trung vào xây dựng và ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời hệ thống văn bản, chỉ thị, hướng dẫn; các  kế hoạch, chương trình hành động nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển được giao. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án: bảo vệ an ninh - chính trị, biển đảo, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa địa bàn. Trên cơ sở đó, triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh hải nước ta trên thực địa; tuyên truyền, giáo dục nhân dân chấp hành Luật biển, pháp luật, quy chế, quy định của địa phương và phát huy trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, v.v. Quá trình thực hiện, Đảng ủy, chỉ huy Đồn đã tích cực nghiên cứu, đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ huy bằng nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với đặc điểm địa bàn, chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiện toàn, phát huy hiệu quả các tổ, đội vận động quần chúng; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, duy trì trật tự, an ninh trong vùng biển, địa bàn ven biển đảm nhiệm; phối hợp với địa phương thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ ở cơ sở; minh bạch hóa các vấn đề liên quan đến kinh tế; phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của chính quyền, đoàn thể, v.v. Đặc biệt, Đồn đã phối hợp với địa phương và Chi cục quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành lập các tổ “đồng quản lý, sản xuất (khai thác) nghề cá”, “tổ tàu thuyền an toàn tự quản” liên kết giữa ngư dân, biên phòng, kiểm ngư, tự vệ (dân quân) biển,… đưa vào hoạt động, nhằm vừa phục vụ mục đích khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, vừa thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình trên biển, tuần tra, xua (đẩy) đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm lãnh hải nước ta. Cùng với đó, Đồn còn trực tiếp tham gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Điển hình là trong cơn bão số 10 năm 2017, Đồn đã phối hợp với địa phương di dời 1.795 hộ dân; bảo đảm cho 168 người dân về tránh trú bão tại đồn; kêu gọi, giúp đỡ gần 500 tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn. Ngoài ra, kết hợp nguồn kinh phí của đơn vị với cấp trên, Đồn đã ủng hộ và trực tiếp cùng nhân dân xã Kỳ Hà bê tông hóa 1,3km đường giao thông nông thôn, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân  đánh giá cao, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp trong  bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới biển trên địa bàn.

Hai là, thường xuyên coi trọng việc nghiên cứu , đánh giá, nắm chắc tình hình địa bàn, nhằm triển khai có hiêu quả các biện pháp công tác biên phòng trong tình hình mới . Đây là nội dung, cơ sở quan trọng để Đảng ủy, chỉ huy Đồn xây dựng và điều chỉnh kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển một cách chính xác, khoa học, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Vì vậy, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Đồn đã chỉ đạo các bộ phận thường xuyên bám sát cơ sở, nhất là đối với các (vùng đồng bào có đạo) giáo,... vận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức, biện pháp nghiệp vụ biên phòng để thu thập, phân tích, đánh giá tình hình trên các mặt của đời sống xã hội. Trong đó, chú trọng biện pháp xây dựng cơ sở mật, bám gốc, giao ban, rút kinh nghiệm an ninh cụm địa bàn và đặc biệt coi trọng việc kết hợp công tác dân vận với nắm bắt tình hình. Thông qua tuyên truyền, vận động, không chỉ làm cho nhân dân tin tưởng cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, mà còn động viên quần chúng trực tiếp tham gia đấu tranh, ngăn chặn, làm trong sạch địa bàn ngay tại cơ sở; đồng thời, đó còn là cơ sở quan trọng để Đồn xây dựng kế hoạch, lập chuyên án đấu tranh, phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Trong quá trình bám, nắm địa bàn, các bộ phận đã thực hiện tốt quy trình từ khâu thu thập, đối chiếu, gạn lọc, xử lý thông tin đến tổng hợp, báo cáo chỉ huy những nội dung tin cậy, bảo đảm yêu cầu: “chính xác, kịp thời, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; phán đoán được xu hướng diễn biến tình hình và dự kiến được phương án, biện pháp xử lý cả trước mắt cũng như lâu dài” . Do phạm vi địa bàn quản lý của Đồn rộng, địa hình khá phức tạp, nhất là khu vực ven biển nằm trong địa phận của cả thị xã và huyện Kỳ Anh, nên  công tác phối hợp nắm tình hình gặp nhiều khó khăn , v.v. Đặc biệt, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, trực tiếp là các chức sắc, linh mục giáo xứ cực đoan, các phần tử phản động cũng như vấn đề an ninh nông thôn đặt ra thách thức không nhỏ đối với lãnh đạo, chỉ huy Đồn. Để giải quyết vấn đề này, Đảng ủy, chỉ huy Đồn tập trung mọi nỗ lực, ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm tình hình địa bàn và xác định: đây là chìa khóa giúp Đồn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Đối với an ninh - chính trị trên biển, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn tập trung vào các khu vực biển phức tạp, như: cửa lạch, nơi tàu, thuyền qua, lại nhiều,… để nắm chắc tình hình chấp hành Luật biển, pháp luật Việt Nam của ngư dân. Trong đó, Đồn chú trọng việc nắm tình hình kết hợp với khai thác thủy, hải sản, ngăn chặn, xua đuổi tàu, thuyền nước ngoài hoạt động trong vùng biển thuộc phạm vi kiểm soát; các vấn đề tội phạm trên biển; tình hình khí tượng thủy văn; khả năng ra khơi, bám biển, vào bờ của tàu, thuyền, nhất là khi có bão, lốc, v.v. Đối với địa bàn ven biển đất liền, Đồn đã chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa nắm chắc địa bàn trọng điểm, nhất là các điểm nóng về an ninh - chính trị, với tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân (lương - giáo) đoàn kết, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, xây dựng địa bàn trong sạch, vững mạnh, an toàn.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới biển được giao. Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới nói chung, trên tuyến biên giới biển của Tỉnh nói riêng, dù ở quy mô nào cũng đòi hỏi phải huy động nhiều lực lượng tham gia, mỗi lực lượng có một chức năng, nhiệm vụ riêng biệt, hoạt động trong điều kiện, môi trường, lĩnh vực khác nhau, nhưng đều có chung mục đích là giữ vững an ninh - chính trị, bảo vệ an toàn vùng biển. Do vậy, Đảng ủy, chỉ huy Đồn đã quán triệt, triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng liên quan (quân sự, công an, kiểm ngư, dân quân, tự vệ biển, cảnh sát biển, Hải quân,…) nhằm thống nhất phương thức hoạt động, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi xử lý các tình huống cũng như phương châm, quan điểm, cách thức giải quyết các vấn đề an ninh - chính trị trong địa bàn. Tổ chức hiệp đồng từng tình huống, nhiệm vụ cụ thể theo các kế hoạch, phương án chung của địa phương, đơn vị đã xác định. Những nội dung chi tiết Đồn tiến hành phối hợp, hiệp đồng riêng (tay đôi) với các cơ quan, đơn vị thông qua văn bản và hội nghị trực tiếp. Trong đó, chú trọng thống nhất quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, chỉ huy Đồn với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã, Hải Đội 2 của Bộ đội Biên phòng Tỉnh; chi ủy, chỉ huy các đội, trạm với cán bộ Thôn, xóm, chức sắc, linh mục tôn giáo trong địa bàn. Trên cơ sở đó, hiện thực hóa thành các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp phối hợp cụ thể trong tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình, xử lý tình huống, v.v. Xây dựng kế hoạch, chương trình và ký kết với các tổ chức, đoàn thể địa phương thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân sự theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP, ngày12-7-2010 của Chính phủ và địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đường lối, quan điểm của Đảng; thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới. Đặc biệt, Đồn còn phối hợp tổ chức tốt mô hình “Nâng bước em tới trường”, “Tiếp lửa yêu thương”, xây dựng tình đoàn kết quân dân, phong trào biên phòng toàn dân, đấu tranh làm thất bại mọi mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, an toàn tuyến biên giới biển được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Anh hùng” của Bộ đội Biên phòng./.


[1] - Gồm các xã Kỳ Hà, Kỳ Khang, Kỳ Xuân. Kỳ Phú, Kỳ Ninh.

Thượng tá Đào Đức Cư - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Kỳ Khang

Add New Comment

 Your Comment has been sent successfully. Thank you!   Refresh
Error: Please try again