Hội Người mù huyện Kỳ Anh điểm tựa cho hội viên

17:46 01/07/2022
Người ta thường nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, mất đi đôi mắt, cuộc sống của những người mù gặp rất nhiều khó khăn. Phải sống trong bóng tối và luôn mặc cảm, tự ti về bản thân, thường sống khép kín và ngại tiếp xúc với mọi người.

Song bằng nghị lực và ý chí kiên cường của chính mình, Hội viên Hội người mù huyện Kỳ Anh đã tự tin vượt lên số phận, người mù trên địa bàn huyện, đang tích cực lao động sáng tạo, nỗ lực để tự đứng vững trên đôi chân của mình và trở thành những người có ích cho xã hội. Nhiệm kỳ qua, Hội đã vận động kết nạp được 38 người mù, nâng tổng số hội viên lên 265 người. Phần lớn các hội viên đều có hoàn cảnh rất khó khăn, phải vượt khó để hòa nhập với cộng đồng.

Xác định dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm là một trong những giải pháp quan trọng giúp hội viên nâng cao dân trí cũng như có thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, do đó, Hội người mù huyện Kỳ Anh đã cử nhiều lượt cán bộ, hội viên theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Hội Người mù Việt Nam và Trung tâm dạy chữ dạy nghề Hội Người mù Hà Tĩnh tổ chức. Nhờ được học văn hoá, chữ nổi, vi tính, điện thoại smartphone được cài phần mềm hỗ trợ tiếng nói cho người mù nên cán bộ, hội viên đã thuận lợi trong việc đọc và soạn thảo văn bản, truy cập mạng internet. Nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của hội để áp dụng vào công tác, các hoạt động, giúp các em học tập, hòa nhập tại các trường phổ thông… Nhờ có kiến thức mà nhiều hội viên đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ ca, tin bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước.

Năm 2021, với sự giúp đỡ của UBND huyện và các tổ chức, cá nhân hảo tâm, Hội người mù huyện Kỳ Anh đã xây dựng được cơ sở xoa bóp bấm huyệt tại xã Kỳ Đồng, với quy mô 8 giường, có đầy đủ trang thiết bị, giải quyết việc làm cho 8 lao động. Để nâng cao chất lượng hoạt động, Hội cũng đã chủ động tìm kiếm và áp dụng phương pháp điện sinh học vào cơ sở xoa bóp, bấm huyệt. Đây là phương pháp mới đạt hiệu quả cao trong việc hỗ trợ trị liệu các bệnh về cơ, xương khớp, từng bước nâng cao chất lượng của nghề xoa bóp, bấm huyệt. Với hoạt động này đã góp phần nâng cao uy tín, khả năng của người mù trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, hội cũng luôn tâm chăm lo đời sống cho các hội viên, được quan tâm, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, hội cấp trên, các nhà hảo tâm cùng với nguồn quỹ lao động sản xuất, hội đã kịp thời hỗ trợ các hội viên gặp khó khăn do thiên tai lũ lụt, ốm đau, hoạn nạn, tổ chức gặp mặt tặng quà vào các dịp lễ, tết, xây dựng, sửa chữa nhà ở, phối hợp với ngành y tế khám, cấp thuốc miễn phí, thay thuỷ tinh thể trả lại ánh sáng cho nhiều hội viên.

Được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm, hội cũng đã giúp đỡ, trợ cấp cho 300 hội viên gặp khó khăn do đại dịch covid 19, với số tiền hơn 150 triệu đồng. Làm mới 6 nhà, tu sửa 4 nhà cho hội viên và tặng 1.736 suất quà với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Đi đôi với hoạt động sản xuất, Hội người mù huyện luôn chú trọng đến công tác giải ngân các nguồn vốn để người mù có điều kiện tự lực xóa nghèo. Trong những năm qua, hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng CS xã hội triển khai, lập dự án vay, với số tiền trên 560 triệu đồng, cho 44 lượt hội viên. Sau khi được vay vốn, 100% hội viên đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả. Nhiều hội viên đã sử dụng vốn để chăn nuôi từ 3-5 con trâu, bò, phát triển kinh tế vườn đồi, mở mang dịch vụ, có thu nhập khá, mỗi năm tích lũy được từ 30-50 triệu đồng, như gia đình các hội viên: Anh Tỵ ở Kỳ Châu, anh Kỳ ở Kỳ Bắc, chị Sỹ ở Kỳ Văn, anh Trinh ở Kỳ Thọ, chị Thu ở Kỳ Tây… Điển hình như chị Thu ở Kỳ Tây đầu tư trồng 4 hecta cây keo, nuôi thêm trâu bò, gà cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng; anh Kỳ ở Kỳ Bắc vừa làm nghề xoa bóp bấm huyệt vừa cùng với vợ làm nghề đậu phụ cho thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm.

Được vay vốn, học tập nâng cao kiến thức, các hội viên phấn khởi, tích cực tham gia lao động sản xuất, cải thiện đời sống, trong đó có nhiều hội viên đã vượt khó vươn lên, có một cuộc sống ổn định. Ngoài ra, Hội người mù huyện còn quan tâm đến những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, già yếu neo đơn không nơi nương tựa; luôn tạo điều kiện, giúp đỡ bằng nguồn quỹ tiêu thụ sản phẩm, do người mù làm ra và nguồn vận động từ các nhà hảo tâm.

Mặc dù mất đi đôi mắt nhưng người mù vẫn còn đôi bàn tay, vẫn còn khả năng lao động nên hội viên hội người mù rất tha thiết với nghề. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Như Hường, ở thôn đất đỏ, xã Kỳ Trung, anh đã bươn chải, làm đủ mọi nghề để kiếm sống là một người mù nhưng không mặc cảm với số phận, anh đã vươn lên thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, bằng chính nghị lực của mình anh đã trồng chè nguyên liệu và cây lâm nghiệp. Đến nay, gia đình anh đã có một trang trại trên 8 hecta, với hàng vạn cây keo tràm, bạch đàn, trầm gió, hàng trăm gốc cam, bưởi, chanh, gần 1 hecta chè công nghiệp và hàng trăm con gà thả vườn. Mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng, vươn lên ổn định cuộc sống.

Hội người mù huyện Kỳ Anh luôn xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao đời sống của hội viên. Nhiệm kỳ qua Hội đã mở được 7 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt; thành lập 6 tổ sản xuất chổi đót, làm tăm tre… Những ngày đầu mới thành lập, còn gặp nhiều khó khăn; nhưng với ý chí vượt khó, không chịu chấp nhận số phận, các thành viên đã dần dần xóa bỏ mặc cảm, tích cực sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến nay, tổ sản xuất tăm tre, chổi đót của Hội người mù Huyện đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 46 lao động, có thu nhập bình quân từ 1,3-1,6 triệu đồng/người/tháng. Các tổ sản xuất, các hộ liên gia đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 6,5 tấn tăm, hơn 3 tấn đót với tổng doanh thu hơn 1,6 tỉ đồng. Sản phẩm chổi đót do Hội người mù huyện làm ra ngày càng được thị trường ưa chuộng, bền chắc, có chất lượng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Bằng ý chí, nghị lực, những người khuyết tật vẫn hằng ngày miệt mài bên những bó đũa, những gói tăm tre, những chiếc chổi đót, gắn bó với cơ sở sản xuất để tạo nên cuộc sống tự lực và luôn tâm nguyện làm nhiều điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Được làm việc, được hưởng nguồn thu nhập do mình làm ra, hội viên Hội người mù đã quên đi những mất mát, bất hạnh của cuộc sống. Dẫu rằng cuộc đời không được may mắn như bao người khác nhưng trong mỗi hội viên luôn chứa đựng lòng tự trọng, sống và làm việc bằng chính sức lao động và nghị lực của mình, tạo ra thành quả lao động chân chính với phương châm “Tàn nhưng không phế”.

Hội viên Hội người mù huyện Kỳ Anh đã và đang rất tự tin, ngày càng khẳng định được mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, không chỉ chăm lo lao động sản xuất, mà còn sôi nổi thi đua trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bằng những việc làm, những hoạt động thiết thực, nhiệm kỳ qua, Hội người mù huyện Kỳ Anh đã được các cấp ủy, chính quyền tặng 10 bằng khen, 43 giấy khen và 4 năm liên tục được Hội người mù Hà Tĩnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc…

Hội Người mù huyện Kỳ Anh đã thực sự trở trở thành chỗ dựa tin cậy, là mái nhà thân yêu của người mù trên địa bàn huyện. Hy vọng rằng, với những thành tích đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội …nhiệm kỳ tới Hội người mù huyện Kỳ Anh sẽ tiếp tục tiếp thêm sức mạnh, nguồn nghị lực, niềm tin giúp người khiếm thị trên địa bàn huyện tự tin vươn lên, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng./.


Bài: Thúy Nga - Anh Đức - Trung Anh - Tiến Quân