Một số giải pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây lúa, lạc vụ Xuân năm 2018.

11:40 05/04/2018
Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện đề nghị UBND các xã chỉ đạo triển khai một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện đề nghị UBND các xã chỉ đạo triển khai một số biện pháp kỹ thuật như sau:

Bà con nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ Xuân.

Hiện nay, cây lúa vụ Xuân 2018 chủ yếu ở giai đoạn đứng cái, sinh trưởng bình thường, cây lạc ở thời kỳ ra hoa, sinh trưởng phát triển tốt. Kết quả điều tra đồng ruộng, đến ngày 03/4/2018 trên cây lúa, một số đối tượng sâu bệnh đã phát sinh và gây hại: bệnh Đạo ôn lá xuất hiện trên giống KDĐB, XM 12, TU 8, NA2, KD18... tập trung ở một số địa phương như Kỳ Tiến (Minh Tiến), Kỳ Văn (Thanh Sơn, Sa Xá, Nam Mỹ Lợi, Mỹ Liên), Kỳ Hải (Nam Hải), Kỳ Thư (Thanh Hòa), Kỳ Thọ (Sơn Thọ), Kỳ Phong (Nam Phong). Diện tích nhiễm bệnh Đạo ôn lá trên toàn huyện là 18,2ha, trong đó nhiễm nặng 0,2ha; bệnh Đốm nâu, tiêm lửa gây hại nặng ở nhiều nơi, đặc biệt các chân ruộng phèn, gieo mật độ dày, không bón phân chuồng, trên các giống lúa HT 1, KD 18, RVT, XM 12, NA 2,.. Tỷ lệ bệnh trung bình 10-15%, nơi cao 50-60%, diện tích nhiễm 295ha (nhiễm nặng 20ha). Phân bố chủ yếu ở Kỳ Phú (Phú Tân, Phú Sơn), Kỳ Xuân (Quang Trung), Kỳ Khang (Tiến Thành, Sơn Hải), Kỳ Giang (Tân Phong, Tân Thành), Kỳ Tiến (Hưng Phú, Hoàng Diệu)... Trên cây lạc, bệnh Héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng phát sinh, gây hại ở các xã Kỳ Tân, Kỳ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Tiến,… tỷ lệ bệnh 3-7%, diện tích nhiễm 20 ha.

Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện đề nghị UBND các xã chỉ đạo triển khai một số biện pháp kỹ thuật như sau:

1. Chăm sóc cây trồng:

- Đối với cây lúa: Đảm bảo giữ mực nước trên ruộng 3-5 cm để lúa sinh trưởng phát triển tốt. Khi bóc cây lúa kiểm tra thấy đòng 1-2 mm (đòng cứt gián, tim đèn), tiến hành bón phân thúc đòng, lượng bón/sào: 5-7 kg NPK 15-5-20 hoặc 2-2,5 kg Ure + 3-4 kg Kali.

- Đối với cây lạc: Xới cỏ kết hợp với bón phân vun gốc sau khi hoa rộ 7-10 ngày, lượng phân bón/sào: 10-15 kg vôi bột + 3-4 kg Kali. Chú ý nếu thời kỳ hình thành củ gặp điều kiện thời tiết khô hạn cần phải tưới nước cho lạc, tưới rãnh ngập 2/3 luống, để nước ngấm đều rồi tháo cạn.

2. Phòng trừ sâu, bệnh: Cử cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã phối hợp với cán bộ Trung tâm ƯDKHKT và BVCTVN huyện kiểm tra trực tiếp đồng ruộng để nhận biết các đối tượng sâu bệnh gây hại, hướng dẫn nông dân phòng trừ đạt hiệu quả.

- Bệnh Đạo ôn lá lúa: Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm, khi xuất hiện bệnh ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá, duy trì mực nước hợp lý, tiến hành cắm vè và xử lý bằng một trong các loại thuốc hóa học sau:

+ Fukasu 42WP : Pha 17 gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 - 3 bình/sào.

+ Filia 525SC : Pha 10ml thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2-3 bình/sào.

+ Fuji One 40WP : Pha 15gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2-3 bình/sào.

+ Beam 75WP : Pha 4 gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2-3 bình/sào.

Những diện tích bị nhiễm bệnh nặng đã có biểu hiện lụi cần tiến hành cắt bỏ lá bị bệnh vùi sâu vào đất hoặc phơi khô đem đốt để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng sau đó mới tiến hành phun thuốc. Chỉ phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5-7 ngày, điều tra nếu thấy vết bệnh cấp tính (vết bệnh mới) thì tiến hành xử lý thuốc lần 2.

- Bệnh đạo ôn cổ bông: Đối với những ruộng đã bị đạo ôn lá hoặc thời kỳ lúa làm đòng - trổ bông gặp thời tiết âm u, ẩm độ cao phải tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông bằng thuốc hóa học, phun lần 1khi lúa trổ vè (trổ 5-10%) và phun lại lần 2 khi lúa kết thúc trổ, sử dụng các thuốc đặc trị bệnh Đạo ôn lá ở trên để phun, thời điểm phun tốt nhất vào chiều tối.

- Bệnh đốm nâu, tiêm lửa: Khi ruộng có triệu chứng bị hại, cần phun một trong các thuốc hóa học sau:

+ Titl Super 300EC: 1 cốc (10ml) thuốc pha đều trong 1 bình 16 lít nước, phun 2 bình cho 1 sào vào chiều mát không mưa.

+ Nevo 330EC: pha đều 1 cốc (10ml) thuốc trong 1 bình 16 lít nước, phun 2 bình cho 1 sào.

+ Nativo 750WG : pha đều 1 gói (6g) thuốc trong 1 bình 20 lít nước, phun cho 1 sào.

- Bệnh héo rũ do nấm trên lạc: Kiểm tra phát hiện sớm, nhổ bỏ và xử lý cây bị bệnh và tiến hành phun kịp thời để hạn chế lây lan bằng một trong các loại thuốc hóa học như: Ridomil Gold 68WP, Anvil 5EC, BenlatC 50 WP,

Lưu ý : Khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng tuyệt đối không được trộn với bất kỳ thuốc kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá để phun.

Đồng thời trên cây lúa cần theo dõi và triển khai phòng trừ chuột đồng, bệnh khô vằn, rầy nâu; trên cây lạc tiếp tục theo dõi nhóm bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng và các loại sâu khoang, sâu xanh để chủ động phòng trừ.


Phan Công Toàn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ Cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh.


Tin liên quan