Kỳ Tây phát triển nghề chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân

08:43 24/05/2022
Xã Kỳ Tây là vùng bán sơn địa, với lợi thế tiềm năng đất đai dồi dào của xã miền núi và từ một số mô hình thành công bước đầu, xã Kỳ Tây đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển nghề chăn nuôi bò thịt chất lượng cao để nâng cao thu nhập.

Mô hình của hộ bà Hồ Thị Nga ở thôn Nam Xuân, xã Kỳ Tây

Trong những năm qua, xã Kỳ Tây tập trung vận động nhân dân chú trọng phát triển chăn nuôi bò sinh sản và đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Từ một hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẽ chỉ vài ba con bò chăn thả, năm 2019, gia đình bà Hồ Thị Nga, thôn Nam Xuân với số vốn liếng tích cóp bao năm đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, đầu tư phát triển mô hình nuôi trâu bò nái sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ đến nay, gia đình bà Nga đã có đàn bò trên 20 con, mỗi năm xuất chuồng từ 10 - 12 con bê con, hiệu quả kinh tế mang lại từ chăn nuôi bò sinh sản ngày càng được khẳng định, bình quân mỗi năm gia đình bà Nga thu nhập gần 200 triệu đồng.

Mô hình của hộ ông Bạch Đình Kỳ  ở thôn Nam Xuân, xã Kỳ Tây

Cũng là gia đình thuần nông, ngoài làm ruộng thì gia đình ông Bạch Đình Kỳ, thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo. Sau khi nuôi thử nghiệm có kết quả, ông mạnh dạn đầu tư để xây dựng chuồng trại để chăn nuôi trâu, bò đàn. Với quy trình nuôi bò từ việc sử dụng nguồn thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên. Ông luôn duy trì đàn trâu, bò từ 12 đến 15 con sinh sản, có thời kỳ cao điểm đàn bò của ông lên tới 42 con. Trung bình mỗi năm gia đình ông xuất chuồng từ 15 -20 con, thu về hàng trăm triệu đồng. Chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được nhiều nguồn thức ăn, không tốn công chăn thả. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn trâu bò, ông đã cải tạo hơn 7 sào đất sản xuất để trồng cỏ voi.

Mô hình của hộ ông Nguyễn Văn Thái ở thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây

Gia đình ông Nguyễn Văn Thái ở thôn Trung Xuân bắt đầu bén duyên với nghề nuôi bò sinh sản, bò thịt từ năm 2010. Lúc đầu, do chưa có vốn và chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên ông chỉ mua 2 con bò giống sinh sản về nuôi. Nhận thấy nuôi bò sinh sản dễ chăm sóc, chi phí chăn nuôi ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi bò sinh bê cái ông đều giữ lại để làm giống và tìm mua những con bò sinh sản khỏe mạnh để mở rộng quy mô chăn nuôi. Với việc triển khai thành công mô hình nuôi bò sinh sản, gia đình ông Thái đã được Cấp ủy, Chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2019, khi chăn nuôi bò phát triển khá mạnh với tổng đàn lên đến hàng trăm con, để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, xã Kỳ Tây bắt đầu chỉ đạo triển khai chăn nuôi liên kết với việc tổ chức thành lập tổ hợp tác. Đến nay, tổ hợp tác chăn nuôi bò đi vào hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò tập hợp và hỗ trợ lẫn nhau phát triển sản xuất. Có thể nói, mô hình chăn nuôi trâu bò trên địa bàn xã Kỳ Tây đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó cũng phần nào giúp thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Mô hình chăn nuôi bò tại xã Kỳ Tây đã cho thấy mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích đất đồi trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng giống cỏ để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, người dân hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, giàu dinh dưỡng. Hiện nay, cùng với việc phát triển tổng đàn, xã đang có chủ trương phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn nhằm nâng cao quy mô, chất lượng đàn trâu bò, nâng cao thu nhập và phát triển bền vững. Đây sẽ là động lực quan trọng để Kỳ Tây tự tin hơn trong quá xây dựng nông thôn mới./.


Bài: Thúy Nga - Anh Đức


Tin liên quan