Huyện Kỳ Anh: Những cánh rừng sau bão!
Ngược lên vùng thượng huyện Kỳ Anh trong những ngày này mới tận mắt chứng kiến những cánh rừng bị tàn phá tan hoang, xác xơ. 70% người dân nơi đây đang oằn mình chịu đựng những thiệt hại về kinh tế lớn chưa từng có sau cơn bão số 10 đi qua…

Với sức gió giật cấp 15 – 16, cơn bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt là các hộ dân trồng rừng ở các xã vùng thượng. Gần 80% diện tích cây lâm nghiệp, 20.185 ha rừng nguyên liệu trên toàn huyện bị thiệt hại, chỉ tính giá trung bình mỗi ha cây lâm nghiệp là 30 triệu đồng thì toàn huyện đã mất gần 400 tỷ đồng.
Có mặt tại những khu vườn rừng trồng, có cảm giác như chúng tôi đang lạc giữa rừng “chông”. Cái nắng oi bức, bỏng rát sau bão khiến cho những khu vườn rừng nơi đây càng trở nên “trơ xương” quắt queo, khô héo. Những thân bạch đàn, keo tràm, gió trầm bị chẻ dọc tua tủa, ngổn ngang nằm phơi nắng…

Ông Nguyễn Giang Nam, thôn Tân Cầu, xã Kỳ Hợp, là một trong những hộ có diện tích trồng rừng lớn nhất xã. Ngoài hơn 10 ha keo, tràm đã đổ nát, mất mát lớn hơn nữa là hơn 8 ha gió trầm cũng gần như đổ gãy. Trong số đó có gần 4 ha gió trầm 17 năm tuổi cũng bị tan hoang sau bão. Ngoài ra gia đình ông còn có 820 cây sưa cũng bị gió quật gãy ngang, không thể cứu vãn. Thiệt hại sau bão hàng tỷ đồng…
Sau những ngày đầu tất bật với việc sửa chữa nhà cửa, người dân vùng thượng huyện Kỳ Anh đang cố gắng vớt vát lại chút thành quả bằng mồ hôi, nước mắt đã đổ ra hàng mấy năm trời trên những cánh rừng. Tuy nhiên, việc người dân bán sản phẩm khi thu hoạch đồng loạt không hề dễ. Trong khi đó, lao động không tìm ra cộng với nắng to sau bão nên tràm khô nhanh, rất khó bóc. Dẫn đến số ngày công thì tăng lên mà khối lượng tràm được tách vỏ thì lại giảm xuống, cho nên khó khăn lại chồng chất khó khăn...
Rừng nguyên liệu ở Kỳ Anh còn kéo theo sự phát triển của nhiều dịch vụ, lao động ăn theo. Hiện toàn huyện Kỳ Anh có khoảng 100 xe ô tô chuyên chở cây gỗ nguyên liệu nhập cho các nhà máy gỗ băm dăm và hàng ngàn lao động có thu nhập khá ổn định từ nghề bóc vỏ cây. Theo ông Lê Văn Trọng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Anh cho biết; Toàn bộ lực lượng này có nguy cơ mất việc ít nhất là 3 – 4 năm tới khi hơn 20.185 ha rừng nguyên liệu ở Kỳ Anh được trồng mới sau bão cho thu hoạch.
Hậu quả để lại sau cơn bão số 10 tại vùng thượng huyện Kỳ Anh là quá nặng nề. Cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở đã và đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, động viên bà con nhân dân tập trung chăm sóc, đồng thời có phương án thu gom, trồng mới những diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Việc bình ổn giá, tìm đầu ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ hộ trồng rừng là việc làm vô cùng khẩn thiết ngay lúc này, góp phần giúp bà con vớt vát lại và tận thu những cánh rừng nguyên liệu sau bão.
Hoàng Hạnh, Trung Anh