Hướng dẫn phòng trừ dịch hại trên cây lúa vụ Xuân 2018
Hiện nay, lúa vụ Xuân đang ở giai đoạn làm đòng, có khoảng 20% diện tích gieo trước ngày 20/01/2018 trổ từ ngày 22-27/4; 73% diện tích gieo cấy từ ngày 20-25/01/2018 trổ tập trung từ ngày 28/4-05/5, số diện tích còn lại dự kiến trổ sau 5/5/2018.
Tình hình dịch hại: Kết quả điều tra trên đồng ruộng, đến ngày 18/4/2018: Bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 18,2 ha (0,2 ha nhiễm nặng) ở một số xã Kỳ Tiến (Minh Tiến), Kỳ Văn (Thanh Sơn, Sa Xá, Nam Mỹ Lợi, Mỹ Liên), Kỳ Hải (Nam Hải), Kỳ Thư (Thanh Hòa), Kỳ Thọ (Sơn Thọ), Kỳ Phong (Nam Phong), Kỳ Phú (Phú Lợi),..; bệnh đốm nâu, tiêm lửa, khô đầu lá gây hại nặng ở các chân ruộng phèn, gieo cấy dày, không bón phân chuồng, trên các giống lúa HT1, KD18, RVT, XM12, NA2, TƯ8,... diện tích nhiễm trên 295 ha, tập trung ở các xã Kỳ Phú (Phú Tân, Phú Sơn), Kỳ Xuân (Quang Trung), Kỳ Khang (Tiến Thành, Sơn Hải), Kỳ Giang (Tân Thành, Tân Phong), Kỳ Tiến (Hưng Phú), Kỳ Bắc (Phương Giai, Nam Tiến), Kỳ Thọ, Kỳ Đồng, Kỳ Văn,..; bệnh khô vằn phát sinh tỷ lệ 5-10%, diện tích nhiễm trên 5ha ở Kỳ Văn (Mỹ Liên), Kỳ Phú (Phú Lợi, Phú Tân, Phú Hải); rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ trung bình 200-300 con/m 2 , cục bộ có nơi 700-1000 con/m 2 (Phú Lợi, Kỳ Phú). Ngoài ra, còn có các đối tượng phát sinh gây hại như: chuột đồng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu phao,..
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương từ ngày 24-27/4 tiếp tục có 1 đợt không khí lạnh, khả năng thời tiết có mưa, ẩm độ không khí cao trùng với thời điểm lúa trổ, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông. Để chủ động phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại, bảo vệ an toàn cho lúa vụ Xuân, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ sau:
1. Bệnh Đạo ôn cổ bông: Đối với số diện tích 18,2 ha ở các xã vừa qua bị nhiễm đạo ôn lá cần tiến hành khoanh vùng, cắm vè và chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông vào thời điểm lúa đòng già hoặc lúc trổ vè 3-5 % và phun lại lần 2 khi lúa kết thúc trổ, phun lúc trời tạnh ráo, tốt nhất là vào chiều tối. Theo dõi chặt chẽ thời tiết giai đoạn lúa đòng già, trổ vè, tiến hành đánh giá, soát xét những diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông để quyết định số diện tích cần tổ chức phun phòng.
Về sử dụng thuốc phun phòng: Qua theo dõi hiệu lực một số loại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên địa bàn trong vụ Xuân 2018, Trung tâm định hướng một số hoạt chất: Isoprothiolare, Propiconazole, Tricyclazole, Fenoxanil, Kasugamycin, các thuốc có tên thương mại (Beam 75WP; Filia 525SC; Fukasu 42WP; Ninja 35SE; Kabim 30WP,…) để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông:
- Beam 75WP: pha 4g thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2-3 bình/sào;
- Filia 525SC: pha 10-12ml thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2-3 bình/sào;
- Fukasu 42WP: pha 17 gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 - 3 bình/sào;
- Fuji One 40WP: pha 15gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2-3 bình/sào;
- Ninja 35SE: pha 50 ml thuốc vào 20lít nước, phun cho 1 sào 500m2;
- Kabim 30WP: lượng dùng 30g/sào, pha 10g vào bình 8-10 lít nước phun 3 bình/sào;…
2. Bệnh khô vằn: phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện nóng ẩm, ở những ruộng gieo dày, bón phân không cân đối, thường xuyên ngập nước. Dự báo trong thời gian tới, khả năng bệnh sẽ tăng về tỷ lệ, mức độ gây hại và diện tích nhiễm. Triệu chứng lúa bị bệnh: các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc có vết vằn da hổ, dạng đám mây màu xám nhạt. Khi ruộng bị bệnh cần duy trì mực nước trên ruộng 3-5 cm, phun thuốc ướt đều bẹ lá và các tầng lá của cây lúa, sử dụng một trong các loại thuốc sau:
- Tilt super 300EC: pha 10ml với bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào;
- Nativo 750WG: pha đều 1 gói (6g) vào bình 20 lít nước, phun cho 1 sào;
- Anvil 5SC: pha 20ml với bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào;
- Validacin 5L: pha 10ml với bình 10 lít nước, phun 3 bình/sào;
- Amistar Top 325SC: pha 10ml với bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào;...
3. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Kiểm tra phát hiện khoanh vùng để phun thuốc khi rầy đang ở tuổi 1-2, mật độ rầy còn thấp (300-500 con/m 2 ) sử dụng các loại thuốc nội hấp như:
- Chess 50WG: pha 7,5g thuốc với bình 10 lít nước, phun 2-3 bình/sào;
- Sutin 50SC: pha 15ml thuốc với bình 10 lít nước, phun 2-3 bình/sào;
- Applaud 25SC: pha 10ml thuốc với bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào;…
Khi giai đoạn sau trổ bông, mật độ rầy cao, sử dụng nhóm thuốc xông hơi, tiếp xúc như:
- Bassa 50EC: pha 30 ml thuốc vào bình 10 lít nước, phun 3 bình/sào;
- Wavotox 585EC: pha 10-15ml vào bình 10lít nước, phun 2 bình/sào;
- Victory 585EC: pha 10-15ml với bình 10 lít nước, phun 3 bình/sào;…
Lưu ý: nhóm thuốc tiếp xúc, xông hơi phải rẽ lúa thành từng băng rộng 0,6 - 0,8 m tuyệt đối không để ruộng cạn nước. Phun đảm bảo cho thuốc tiếp xúc với toàn bộ cây lúa ướt đẫm và đảm bảo nồng độ, liều lượng, phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối./.
Phan Công Toàn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ Cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh.