Hội nghị trực tuyến về ứng phó cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến công tác về ứng phó cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Sáng nay 4/3, Tại điểm cầu huyện Kỳ Anh có đồng chí Phạm Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì cùng các đồng chí lãnh các phòng ban chuyên môn và cấp Uỷ chính quyền địa phương 21 xã và chủ các trang trại chăn nuôi lơn quy mô lớn trên địa bàn huyện Kỳ Anh.


Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Trong khi đó, hiện trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trì bệnh. Tính đến ngày 3/3/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo có dịch tả lợn Châu Phi. Riêng Việt Nam, từ ngày 1/2 – 3/3/2019, bệnh xẩy ra tại 14 huyện thuộc 7 tỉnh, thành phố có tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.Nguyên nhân được xác định là buôn bán, vận chuyển tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu và không rõ nguồn gốc có mầm bệnh, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vừa qua. Mặt khác, lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không, đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào nước ta. Người chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát... Đến nay Việt Nam xẩy ra bệnh DTLCP với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con có trọng lượng hơn 297 tấn. Từ kinh nghiệm phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi của các nước, Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động ban hành nhiều chỉ thị, công điện chỉ đạo khẩn cấp, đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội nghị tại các tỉnh, thành để ứng phó với dịch bệnh.
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương, tổ chức Quốc tế OIE, FAO đã chia sẻ những kinh nghiệm cùng các giải pháp về kỹ thuật trong việc kiểm soát tốt bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian tới tại Việt Nam...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phương châm “Chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải như chống giặc” đòi hỏi các cấp, ngành “xắn tay áo” để ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Theo đó, các cấp ngành, địa phương cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt từ nhận thức tới hành động; uy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với các biện pháp mạnh. Địa phương nào để bùng phát dịch tả lợn Châu Phi thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Công tác tuyên truyền phải đúng mức, kịp thời đề xuất các giải pháp cụ thể để mang lại hiệu quả cao. Trong hoàn cảnh hiện nay, người chân nuôi cần phải nghiêm túc thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi)... nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại.
Đối với huyện Kỳ Anh đồng chí Phạm Văn Dũng nhấn mạnh cần phải ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nhưng không hoang mang, lo lắng; vẫn tiếp tục ổn định sản xuất chăn nuôi để phát triển kinh tế, Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phải tuân theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y. Tránh các tình trạng chủ quan, và luôn nghiêm ngặt trong công tác xử lý tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi./.
Trung Anh