Triển vọng từ mô hình nuôi tôm trong bể tròn công nghệ cao
Trước đây, các hộ nuôi tôm chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh hoặc bán thâm canh. Khi đó, người nuôi gặp khó khăn trong việc quản lý diễn biến môi trường trong ao nuôi, tôm dễ nhiễm bệnh, dễ bị tác động bởi các yếu tố thời tiết và tỷ lệ sống của tôm thấp.
Qua tư vấn và hướng dẫn của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh, các hộ dân biết đến mô hình nuôi tôm trong bể tròn công nghệ cao với nhiều ưu điểm như: môi trường đảm bảo; tỷ lệ sống và mật độ nuôi cao; bể nuôi được phủ bạt nên hạn chế mầm bệnh từ đất xâm lấn vào. Mặt khác, diện tích bể nhỏ nên tiện lợi cho người nuôi trong khâu chăm sóc, quản lý nguồn nước. Tại mỗi bể có lắp đặt máy sục khí và hệ thống cấp thoát nước riêng biệt.
Với những ưu điểm đó, anh Lê Anh Sỹ (hộ nuôi tôm tại xã Kỳ Thư) đã mạnh dạn đầu tư 2 bể tròn công nghệ cao, chi phí từ 350-450 triệu đồng/bể. Diện tích mỗi bể chừng 130m2, chiều cao 1,2m, xung quanh được dựng bằng khung sắt kiên cố, trong lót bạt.
Ở vụ nuôi đầu tiên, tại mỗi bể có mật độ thả nuôi là 300 con/m3, cao gấp 5 - 6 lần so với mật độ ở ao nuôi thường. Chỉ sau hơn 2 tháng, tôm trong bể tròn của hộ anh Sỹ đạt trọng lượng trung bình 40 con/kg. Tôm sinh trưởng tốt và đạt chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định và đem lại nhiệu quả kinh tế cao. Bước đầu, mô hình nuôi tôm bằng bể tròn công nghệ cao do anh thực hiện đã mang lại mức năng suất vượt trội so với các mô hình nuôi trước đây.
Có thể thấy, mô hình nuôi tôm trong bể tròn của anh Lê Anh Sỹ là một trong những mô hình kinh tế mới và hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện và khả năng đầu tư của các hộ nông dân. Hiện mô hình nuôi tôm này được Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh khuyến khích các hộ nuôi tôm đầu tư và triển khai nhân rộng./.
Trà Giang