Hội nghị triển khai sản xuất vụ đông tập trung tích tụ ruộng đất năm 2023; bổ cứu công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

16:56 12/09/2023
Sáng ngày 12/9/2023, UBND huyện Kỳ Anh tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ đông, tập trung tích tụ ruộng đất năm 2023; bổ cứu công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Các đồng chí Nguyễn Thanh Hải, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; Phan Công Toàn, Trưởng phòng NN và PTNT huyện chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị lãnh đạo phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã đánh giá tình hình sản xuất vụ Đông năm 2022 - 2023, thông qua phương án sản xuất vụ Đông năm 2023 - 2024; báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Vụ Đông năm 2022 - 2023, với tổng diện tích gieo trồng trên 403ha, sản lượng trên 2.491 tấn.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện phát biểu tại hội nghị

Đại biểu tham dự

Phương án sản xuất vụ Đông năm 2023 - 2024 theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt, theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Nhóm cây trồng chủ lực vụ Đông năm 2023 - 2024 gồm: Ngô, khoai lang, rau đậu các loại. Tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ Đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ để cung cấp đủ trên địa bàn huyện. Mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định. Đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng, xã đã quy hoạch, vùng sản xuất tập trung. Xác định vụ Đông là vụ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ và cung cấp thức ăn cho gia súc. Tập trung phát triển các đối tượng cây trồng có giá trị trên những vùng có lợi thế về sản xuất và thị trường tiêu thụ, né tránh thiên tai nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá trị trên đơn vị diện tích. Phát huy kinh tế vườn hộ chủ động trong việc phục vụ đời sống dân sinh và kết nối các sản phẩm tiêu biểu. Với các chỉ tiêu định hướng: Phấn đấu tổng diện tích trồng mới cây vụ Đông 2023 đạt 412ha, trong đó:  Ngô lấy hạt: 50ha, năng suất 31 tạ/ha, sản lượng 155 tấn; Ngô sinh khối: 40ha, năng suất 300 tạ/ha, sản lượng 1.200 tấn; Cây khoai lang: 150ha, năng suất 55 tạ/ha, sản lượng 825 tấn; Rau các loại: 170ha, năng suất 65,9 tạ/ha, sản lượng 1.120,3 tấn. Duy trì và tiếp tục nhân rộng về quy mô và chất lượng các mô hình trồng nấm ăn trên địa bàn huyện. Về Chè công nghiệp: trồng mới 2ha, trên địa bàn 4 xã Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Tây và Kỳ Trung; sản lượng chè búp đạt 3.643,3 tấn. Đồng thời xây dựng, triển khai phương án sản xuất vụ Đông năm 2023 - 2024 phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và triển khai đến người dân.

Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện trình bày báo cáo tại hội nghị

Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở, đã triển khai tiêm phòng Đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm đến ngày 31/8/2023 đã tiêm được 2.817 liều vắc xin Viêm da nổi cục trâu bò, đạt 18,4% KH; 3.876 liều vắc xin Lở mồm long móng; 4.031 liều vắc xin Tụ huyết trùng cho đàn trâu bò; 11.956 liều vắc xin dại chó; 11.050  liều vắc xin Tụ huyết trùng lợn;11.050 liều Dịch tả lợn... Tổ chức giám sát đến tận thôn, xóm, cơ sở chăn nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm. Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh ổ dịch mới.

Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong sản xuất vụ Đông năm 2022 - 2023 và công tác tiêm phòng đợt 1/2023. Đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện trong sản xuất vụ Đông năm 2023 - 2024 và công tác tiêm phòng đợt 2/2023.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần quan tâm thực hiện, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để các ban ngành đoàn thể huyện và các xã thực hiện trong thời gian tới đó là: triển khai kế hoạch về tập trung tích tụ ruộng đất năm 2023; tiếp tục quan tâm mở rộng diện tích cây trồng các loại. Các xã tích cực tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Đề án sản xuất vụ Đông năm 2023, các chủ trương, chính sách, các mô hình sản xuất liên kết, các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và công nghệ sản xuất, diễn biến thời tiết, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đến tận người sản xuất. Tổ chức sản xuất chú trọng kinh tế nông hộ, vườn sản xuất để tăng tối đa diện tích. Một số diện tích sản xuất trong nhà lưới, nhà màng bố trí cây trồng phù hợp như dưa chuột, hoa phục vụ dịp Tết và theo nhu cầu liên kết của đơn vị tiêu thụ. Trên cơ sở điều kiện thời tiết, thời gian sinh trưởng của các giống cây trồng, điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng, có kế hoạch gieo trồng sát tình hình thực tế. Tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và các quy định, biện pháp phòng, chống dịch nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật, không để các hộ giết mổ tại nhà gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, nhất là đối với con giống nhập vào địa phương và quản lý các cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn./.


Thúy Nga-Anh Đức