ĐỀN PHẠM HOÀNH - DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA CẤP TỈNH

Đền thờ Phạm Hoành là một di tích Lịch sử - Văn hóa ghi nhận công lao của Điện Quân công Phạm Hoành là một vị tướng thời Hậu Lê có công lớn trong công cuộc phò Lê diệt Mạc.
Ông sinh trưởng trong dòng họ Phạm – Một dòng họ có nguồn gốc từ Thanh Hóa, có nhiều người học hành và đỗ đạt làm quan phục vụ dưới các triều đại, đó là: Trịnh Quốc công Phạm Đốc, Thọ quận Công Phạm Tiêm, Hoa quận công Phạm Trịnh, Khuê quận công Phạm Định.

Phạm Hoành là con trai của Khuê quận công Phạm Định, cháu 4 đời của Thọ quận công Phạm Tiêm. Gia đình ông có bốn anh em, Phạm Hoành là con trai cả. Vốn xuất thân từ gia đình dòng võ tộc, có nhiều người học hành đỗ đạt làm quan nên từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người thông minh, ham luyện cung tên, võ nghệ. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị loạn giặc, với tài sử dụng binh khí, võ nghệ điêu luyện, ông đã trở thành một vị tướng lĩnh trung thành, giúp triều đình nhà Lê dẹp Mạc.
Trong trận chiến với nhà Mạc ở Hoan Châu (Nghệ An), sau khi giao tranh ông đang truy kích bị địch đánh tập hậu, ông bị thương, sau trận này ông đã định ra khỏi đất Châu Hoan, ông về quê điều trị rồi từ trần vào mùa xuân năm Quý Tỵ (1593) vào ngày mồng 6 tháng Giêng.

Được tin ông mất, nhà vua rất thương tiếc bèn phong sắc cho ông là Điện quận công Hổ oai Đại tướng quân Thần võ liên tiên đại vương Phạm Hoành, cho lập đền thờ tại làng Sơn Triệu (tức làng Tân Thọ - xã Kỳ Thọ ngày nay). Hàng năm đến ngày giỗ, các hàng quan văn, võ đều về đền dâng hương, cúng tế. Đền được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào tháng 7 năm 2004.
Về khu di tích: Đây là một công trình kiến trúc cổ kính rêu phong được tọa lạc trên một khuôn viên rộng 5.640m 2 , nằm giữa khu dân cư đông đúc, trù phú với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bên cạnh Quốc lộ 1A, gồm có thượng điện 3 gian, hai bên là tả ban, hữu ban, ngoài nữa là một tòa bái đường gồm 5 gian chạm trổ rất tinh vi. Ở giữa sân trước bái đường bên phải có một điện nhỏ bằng đá, hai bên là hai dãy cột đền và chính giữa là hỏa lô thắp lên khi hội hè, cúng tế và tiếp đến là cổng và tam quan. Đây là lối kiến trúc tiêu biểu thời Lê – Nguyễn ở các công trình kiến trúc có tính tôn giáo như đình, đền, chùa.v.v...

Qua 2 cuộc chiến tranh và thiên nhiên khắc nghiệt tàn phá Đền thờ đã bị hư hỏng nặng, chỉ còn lại phần nền đền và cổng tam quan. Phải sửa chữa nhiều lần nên năm 1994 Đền thờ được xây dựng lại và tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Ý nghĩa, giá trị lịch sử của khu di tích: Đền thờ vừa cho chúng ta xác định được nguồn gốc, quê quán, sự nghiệp đánh giặc của tướng Phạm Hoành thông qua các hiện vật chứa đựng trong di tích. Vừa có giá trị về mặt truyền thống yêu nước của ông cha ta từ trước đến nay, từ đó giúp thế hệ trẻ hãy nhìn quá khứ mà sống, học tập, cống hiến cho xứng đáng với người anh hùng đi trước.
Huyền Trang - Kim Trường