SỰ PHÂN CHIA ĐỊA GIỚI VÀ TÊN GỌI QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ

09:52 29/04/2017

Vùng đất Kỳ Anh ngày nay, từ khi lập quốc, đã là mảnh cực nam của bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của nước cổ Văn Lang. Đời Tần, đây là đất Tượng quận. Thời Bắc thuộc, đời Triệu (179-111TCN) là đất Cửu Chân, đời Hán (111 TCN - 226) thuộc huyện Hàm Hoan, quận Cửu Chân, từ đời Ngô, Tiền Ngụy đến Tần, Tống, Tề (226 - 502), thuộc quận Cửu Đức, đời Lương (502- 542) đổi Cửu Đức thành Đức Châu, thì thuộc Đức Châu; nhà Tiền Lý dựng nước Vạn Xuân tự chủ (542- 603) vùng đất này thuộc Đức Châu. Năm 598, nhà Tuỳ chưa đặt được ách đô hộ, vẫn đổi Đức Châu thành Hoan Châu, sau khi diệt nước Vạn Xuân (603), lại đổi Hoan Châu thành quận Nhật Nam. Nhà Đường đổi Nhật Nam thành Nam Đức (618), đổi Nam Đức thành Đức Châu (628), lại đổi Đức Châu thành Hoan Châu (672) rồi cắt phần nam Hoan Châu lập châu ki mi Phúc Lộc (679)... Vùng Kỳ Anh lần lượt thuộc Đức Châu, Hoan Châu, Nhật Nam, Nam Đức, rồi lại Đức Châu, Hoan Châu, Phúc Lộc (1) . Sau đó, có thể còn có thay đổi, nhưng chưa có tài liệu ghi chép đáng tin cậy.

Từ khi dựng nước (năm 192) người Lâm Ấp (sau đổi là Hoàn Vương rồi Chiêm Thành - Chămpa) thường đem quân ra cướp của, bắt người ở vùng bắc Hoành Sơn. Năm 803, quân Hoàn Vương tràn sang đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường, chiếm hai châu Hoan, Ái (Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá). Đến năm 808, tướng nhà Đường là Trương Chu sang cai trị Giao Châu, mới đẩy quân Hoàn Vương lùi sâu vào vùng Nam - Ngãi bây giờ. Một thế kỷ sau, khoảng 907 - 910, người Chiêm Thành lại lấn sang, chiếm vùng đất từ Hoành Sơn đến Nam Giới (Thạch Hà) đặt quan cai trị ngót 70 năm, cho đến năm 981, vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), đưa quân đánh đuổi người Chiêm, thu vùng này về Đại Việt và thành lập châu Thạch Hàùng đất Kỳ Anh ngày nay, từ khi lập quốc, đã là mảnh cực nam của bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của nước cổ Văn Lang. Đời Tần, đây là đất Tượng quận. Thời Bắc thuộc, đời Triệu (179-111TCN) là đất Cửu Chân, đời Hán (111 TCN - 226) thuộc huyện Hàm Hoan, quận Cửu Chân, từ đời Ngô, Tiền Ngụy đến Tần, Tống, Tề (226 - 502), thuộc quận Cửu Đức, đời Lương (502- 542) đổi Cửu Đức thành Đức Châu, thì thuộc Đức Châu; nhà Tiền Lý dựng nước Vạn Xuân tự chủ (542- 603) vùng đất này thuộc Đức Châu. Năm 598, nhà Tuỳ chưa đặt được ách đô hộ, vẫn đổi Đức Châu thành Hoan Châu, sau khi diệt nước Vạn Xuân (603), lại đổi Hoan Châu thành quận Nhật Nam. Nhà Đường đổi Nhật Nam thành Nam Đức (618), đổi Nam Đức thành Đức Châu (628), lại đổi Đức Châu thành Hoan Châu (672) rồi cắt phần nam Hoan Châu lập châu ki mi Phúc Lộc (679)... Vùng Kỳ Anh lần lượt thuộc Đức Châu, Hoan Châu, Nhật Nam, Nam Đức, rồi lại Đức Châu, Hoan Châu, Phúc Lộc (1) . Sau đó, có thể còn có thay đổi, nhưng chưa có tài liệu ghi chép đáng tin cậy.

Năm 1010, nhà Lý chia đất nước làm 24 lộ, phần cực nam lộ Hoan Châu, năm 1025 lập trại Định Phiên ở nam Châu Hoan, năm 1036 đổi Châu Hoan làm Châu Nghệ An, rồi năm 1101 lại đổi làm phủ Nghệ An. Đời Trần, năm 1231 đổi Nghệ An làm châu rồi làm trấn, nhưng dưới trấn là 3 lộ Nghệ An Bắc, Nghệ An Trung, Nghệ An Nam. Đất Kỳ Anh lần lượt thuộc châu Thạch Hà, châu Nghệ An, phủ Nghệ An (đời Lý), châu Nghệ An, lộ Nghệ An thuộc trấn Nghệ An đời Trần.

Đời Trần, đất Kỳ Anh là huyện Hà Hoa (2) . Thời thuộc Minh (1407- 1427) huyện Hà Hoa và huyện Kỳ La (sau là đất Cẩm Xuyên) đều thuộc châu Nam Tĩnh. Đời Lê (có sách chép đời Lê Thánh Tông) hợp hai huyện Hà Hoa và Kỳ La thành huyện Kỳ Hoa. Đời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), cắt 4 tổng phía bắc Kỳ Hoa (Lạc Xuyên, Vân Tán, Thổ Ngoạ, Mỹ Duệ) lập huyện Hoa Xuyên. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), kiêng tên húy, đổi Hoa Xuyên thành Cẩm Xuyên và Kỳ Hoa thành Kỳ Anh. Tên huyện Kỳ Anh có từ đó. Đời Minh Mệnh (từ 1831), huyện Kỳ Hoa (sau là Kỳ Anh) vẫn do phủ Hà Hoa (từ 1841 là Hà Thanh) kiêm lý. Năm 1853, vua Tự Đức bỏ tỉnh, lập đạo Hà Tĩnh, Kỳ Anh đặt Tri huyện, do đạo thống hạt, đến năm 1875, lập lại tỉnh, lại đặt tri phủ kiêm lý huyện Kỳ Anh. Năm Duy Tân thứ 9 (1915), đổi Thạch Hà làm phủ, Kỳ Anh lại do phủ Thạch Hà thống hạt cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 (3) .

Sau cách mạng, Kỳ Anh vẫn là một đơn vị huyện, không có sự thay đổi địa giới. Theo cuốn “ Các trấn, tổng, xã danh bị lấm ” (Bản dịch của Viện nghiên cứu Hán Nôm NXBKHXH - H.1981 lấy tên “ Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX ”) thì đầu đời Nguyễn, đất huyện Kỳ Anh bây giờ còn nằm trong huyện Kỳ Hoa thuộc phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An. Huyện Kỳ Hoa (là đất hai huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh ngày nay) có 6 tổng, 173 xã, thôn, trang, phường, trại, giáp, tích, vạn. Riêng vùng đất Kỳ Anh có hai tổng Cấp Dẫn (30 xã, thôn, vạn) và Đậu Chữ (57 xã, thôn, trang, trại, phường, tích, sách) tổng cộng 87 đơn vị tổ chức cư dân và hành chính (4) .

Sách “ Kỳ Anh phong thổ ký ” của Lê Đức Trinh cho biết đời Duy Tân về trước, Kỳ Anh có 4 tổng (Cấp Dẫn, Đậu Chữ, Hà Trung, Hoằng Lễ). Năm Duy Tân thứ 5 (1911) tách 6 thôn của tổng Hà Trung và 3 thôn của Tổng Cấp Dẫn lập thêm tổng Vọng Liệu. Như vậy, lúc đó có 5 tổng gồm 96 thôn, trang (Hà Trung 20 thôn, Cấp Dẫn 21 thôn, Đậu Chữ 21 thôn, Hoằng Lễ 25 thôn, Vọng Liệu 9 thôn tổng cộng 96 thôn. Số xã thôn từ đây đến Cách mạng tháng Tám tương đối ổn định. (5)

Sau cách mạng, cuối năm 1945, bỏ tổng, Kỳ Anh hợp nhất 96 làng nhỏ thành 20 xã lớn. Khoảng 1950 -1952, thực hiện chủ trương “tăng cường xã”, lại nhập 10 xã thành 5 xã lớn hơn, toàn huyện chỉ còn lại 15 xã. Năm 1954, sau khi giảm tô, lại chia một số xã quá lớn thành xã vừa, toàn huyện có 26 xã. Năm 1961, cắt làng Ngưu Sơn (Minh Đức) từ xã Kỳ Phương, thành lập xã mới Kỳ Nam. Năm 1963, lập thêm xã mới Kỳ Hương gồm dân 3 xã Thạch Châu, Thạch Bằng, Thạch Trị huyện Thạch Hà dời vào. Tháng 5- 1977, nhập 2 xã Kỳ Lâm, Kỳ Sơn thành xã Vọng Sơn (sau lại tách làm 2 xã). Lúc này toàn huyện có 28 xã. Năm 1986, thành lập thêm các xã Kỳ Đồng, Kỳ Hợp, Kỳ Liên và thị trấn Kỳ Anh,  đến đầu năm 2015 huyện Kỳ Anh có 32 xã và một Thị trấn huyện lỵ (6)

Thực hiện Nghị Quyết số 903/NQ-UBTVQH13 ngày 10/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 06 phường trực thuộc thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh mới còn lại 21 xã gồm: Kỳ Phong, Kỳ Bắc, Kỳ Tiến, Kỳ Xuân, Kỳ Giang, Kỳ Đồng, Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Văn, Kỳ Tân, Kỳ Châu, Kỳ Hải, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Trung.

(1) Một tài liệu chép : Thời thuộc Hán đất Kỳ Anh thuộc huyện Tỵ Ảnh quận Nhật Nam. Nhà Tùy đặt quân Tỵ Ảnh thì Kỳ Anh thuộc huyện Ty Ảnh của quận này. Nhà Đường đặt Trí Châu gồm Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên , Kỳ Anh. Sau lại nhập Trí Châu vào huyện Việt Thường

(2) Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán biên soạn – 1909 - Bản dịch của Đặng Chu Kình – Sài Gòn 1965 – chép “Năm Long Khánh thứ 3 đời Trần (1375) đào kênh đến của bể Hà Hoa, nên đặt huyện Hà Hoa từ đây” (?)

(3) Về tên gọi địa giới qua các đời, tham khảo các sách “Kỳ Anh phong thổ ký” (Lê Đức Trinh), Lịch sử Nghệ Tĩnh (T.1), Hà Tĩnh- Thành Sen, Nghệ Tĩnh trong lòng Tổ quốc Việt Nam - Đại Nam nhất thống trí (T.2)

(4) Từ đời Lê về trước, không thể tra cứu được, nhưng tài liệu này có thể gần đúng với cả cuối đời Lê. Tổ chức hành chính lúc này là xã, thôn, trang, phường, vạn, trại... những đơn vị có số đinh, điền, có con dấu riêng, có xã trưởng, lý trưởng, phường trưởng... đứng đầu xã; có khi là 1 làng, có khi dưới xã có nhiều thôn; Thôn: có khi triện riêng, có khi không có triện mà chỉ là đơn vị dân cư dưới xã; Vạn: làng chài ven sông, biển; Phường, tích: làng nghề thủ công hay buôn bán; Sách: làng dân tộc thiểu số ; Vạn, trang, phường, tích, sách, thường cũng là đơn vị hành chính (có triện tức con dấu riêng).

(5) Một tài liệu của Pháp năm 1925 ghi là 98 làng, một tài liệu của công sứ Pháp viết năm 1942 ghi là 97 làng.

(6) Xem phần phụ lục “Tên làng xã qua các thời kỳ” (từ đầu TK XIX lại nay).