KHÍ HẬU VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

09:42 29/04/2017

I. KHÍ HẬU - THỜI TIẾT

Khối Hoành Sơn không cao và chiếm 1500km 2 nhưng do hướng chạy của núi, đã trở thành một ranh giới khí hâu thật sự. Hà Tĩnh và Quảng Bình, hai tỉnh ở kề nhau mà chịu hai chế độ khí hâu hoàn toàn khác nhau. “Hà Tĩnh đã thuộc về khí hậu miền Bắc, trong khi Quảng Bình trở đi đã mang rõ những nét của khí hậu miền Nam”. (Thiên nhiên Việt Nam - SĐD). Do dãy Hoành Sơn chắn ngang phía nam với vùng núi phia tây, hình thành một vòng cung, Kỳ Anh trở thành một “vùng đất chảo lửa túi mưa” (Lời nhận xét của một nhà báo).

Mùa nóng, từ tháng ba đến tháng bảy, thường có gió Lào thổi mạnh, “cây cỏ lại xao xác dưới hới thở nóng hầm hập” ( Thiên nhiên Việt Nam - SĐD). Nhiệt độ lên tới 35 0 C có khi lên tới 38 0 C. Mùa này thường hạn hán kéo dài. Năm 1988, 10 tháng liền không mưa và năm 1993 hạn cũng kéo dài suốt 5 tháng; từ đầu năm đến hết tháng 6 lượng mưa chỉ mới là 260,2 ly, chưa bằng 1/10 lượng mưa trung bình hàng năm. Từ tháng 7 đến tháng 10, tháng 11, thường mưa rất to, lượng mưa trung bình là 2800 - 3000 ly/năm, có năm lên tới 4400 ly, cao hơn rất nhiều so với lượng mưa trung bình trong tỉnh, thời gian này cũng là mùa bão lụt. Trong 30 năm (1961- 1991) có 37 cơn bão đổ bộ vào Kỳ Anh; hơn 1/3 số cơn bão là ở cấp 11-12. Riêng trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, có 14 cơn bão và lụt lớn.

Mùa đông - xuân cũng kéo dài với gió mùa đông bắc và nhiệt độ xuống 12 0 C, có năm xuống tới 8 0 C. Nắng lắm, mưa nhiều, nhiệt độ và độ ẩm ở Kỳ Anh đều cao, là vùng khí hậu khắc nghiệt. Mùa nắng hạn, ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ héo khô. Kỳ hạn hán năm 1988, nhân dân 17 xã ở Kỳ Anh nước không đủ uống và sinh hoạt. Mùa mưa bão thì đồng điền mạn thấp nước ngập, bình thường cũng ngập từ 0,5 đến 1m, nhà cửa, đường sá thường bị hư hỏng, giao thông rất khó khăn, nhất là các xã vùng thượng. Riêng cơn bão số 5 (30/8/1990) toàn huyện bị thiệt hại 23 tỷ đồng (Theo báo Tiền Phong số 43 (26/10/1993) và báo Hà Tĩnh số 3240 (13/7/1993).

Trung bình hàng năm có 2 đến 4 cơn bão đổ bộ vào Kỳ Anh, gây mưa lớn ở thượng nguồn, lũ lụt ở đồng bằng ven biển. Vận tốc gió lớn nhất lúc bão V = 48m/s (chu kỳ 50 năm lặp lại). Cơn bão năm 2007 đã làm ngập lụt thiệt hại lớn (đường Quốc lộ 1A nhiều nơi ngập 0,50-1m). Rất nhiều năm nước từ thượng nguồn đổ về cộng với thuỷ triều dâng làm nước sông Quyền, sông Trí, sông Vịnh dâng cao, tràn qua đường sá, lở nhiều đoạn đê xung yếu gây thiệt hại về người và tài sản.

* Phụ chép:

KHÍ HẬU - THỜI TIẾT

(Số liệu của trạm thủy văn Kỳ Anh)

1. Nhiệt độ

- Nhiệt độ trung bình hàng năm 24 0 C

- Nhiệt độ cao nhất vào mùa hè (tháng 6) có lúc lên tới 38 0 C, trung bình là 29,8 0 C

- Nhiệt độ thấp nhất vào mùa đông (tháng 1) là 7,5 0 C, trung bình là 17 0 C

2. Độ ẩm

Độ ẩm tương đối trung bình hàng năm đo ở trạm thủy văn Kỳ Anh là:

Tháng

1

Tháng

2

Tháng

3

Tháng

4

Tháng

5

Tháng

6

Tháng

7

Tháng

8

Tháng

9

Tháng

10

Tháng

11

Tháng 12

90

92

91

88

80

74

71

77

88

88

88

88

- Độ ẩm trung bình hàng năm: 86%

- Độ ẩm thấp nhất trong mùa đông: 35%

- Độ ẩm thấp nhất trong mùa hè: 27%

- Lượng bốc hơi: Lượng bốc hơi trung bình hàng năm 1033,8mm

3. Chế độ gió

- Mùa hè: Gió tây nam và đông nam từ tháng 3 đến tháng 6 có gió Lào (Tây Nam) khô nóng, lượng bốc hơi lớn làm hạn hán xảy ra thiếu nước ngọt cho dân sinh và cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, tốc độ gió lớn nhất trung bình ở đồng bằng ven biển có thể đạt 15-20m/s.

- Mùa đông: Gió đông bắc

- Tốc độ gió trung bình: 2,3m/s

- Tốc độ gió lớn nhất: 48m/s

Bảng: Tốc độ gió trung bình (m/s) tháng trong năm

Tháng

1

Tháng

2

Tháng

3

Tháng

4

Tháng

5

Tháng

6

Tháng

7

Tháng

8

Tháng

9

Tháng

10

Tháng

11

Tháng

12

2,2

2,1

1,8

1,8

2,2

2,8

2,4

2,4

1,9

2,3

2,6

2,3

Bảng: Tốc độ gió (m/s) hàng tháng trong năm

Tháng

1

Tháng

2

Tháng

3

Tháng

4

Tháng

5

Tháng

6

Tháng

7

Tháng

8

Tháng

9

Tháng

10

Tháng

11

Tháng

12

36

35

42

45

48

47

48

49

50

50

-

-

4. Chế độ nắng

Bảng: Số giờ nắng các tháng trong năm

Tháng

1

Tháng

2

Tháng

3

Tháng

4

Tháng

5

Tháng

6

Tháng

7

Tháng

8

Tháng

9

Tháng

10

Tháng

11

Tháng

12

79

60

96

152

142

228

253

187

171

127

79

85

Tổng số giờ nắng trong năm: 1.536 giờ

5. Chế độ mưa

Mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11

- Lượng mưa trung bình năm: 2513,4mm, năm lớn nhất 3000mm

- Số ngày mưa trung bình năm: 165 ngày

- Lượng mưa ngày lớn nhất trung bình: 519,1mm

- Lượng mưa trung bình hàng năm: 2858 mm

- Lượng mưa (mm) lớn nhất 5 ngày liên tục ứng với các tần suất (%)

Trạm

Tần suất (%)

1

2

5

10

Kỳ Anh

1554

1365

1120

930

6. Đặc trưng thuỷ văn

Kỳ Anh chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ văn của hệ thống sông suối như: sông Trí, sông Quyền, sông Vịnh. Mực nước thuỷ triều tại cửa Khẩu, sông Quyền cao nhất trung bình nhiều năm 1,77m, tần suất 10% = 2,22m, tần suất 5% = 2,416m

* Sông Trí: Bắt nguồn từ vùng núi phía tây thuộc xã Kỳ Hoa, ở Tây Bắc huyện Kỳ Anh chảy theo hướng tây bắc - đông nam đổ vào sông Quyền ở cửa Hải Nam, chiều dài 26 km, diện tích lưu vực 57 km 2 . Theo số liệu của chi cục thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát trển Nông thôn, mực nước lên trong bão số 5 năm 2007 làm ngập đường Quốc lộ 1A từ 0,3 – 0,6m. Theo số liệu thống kê mực nước dâng trong bão năm 1987 = 2,218m, năm 1989 = 2,68m.

II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

Kỳ Anh vốn là vùng tài nguyên thiên nhiên phong phú. Do khí hậu nhiệt và ẩm, thời xa xưa, toàn bộ đất (núi đồi) Kỳ Anh là một cánh rừng từ Vọng Liệu xuống tận bờ biển. Cũng như rừng Trường Sơn Bắc, rừng Kỳ Anh có nhiều cây gỗ quý như: lim xanh, táu mật, trường mật, giỗi, gụ và các loại cây nứa, dang, song, mây, lá tơi, lá nón...Rừng ở đây còn rất nhiều cây ăn củ, ăn trái như: sắn rai, khoai mài, khoai từ, khoai vạc..., cây làm thuốc như: sa nhân, thảo khấu và cây dầu sơn (dầu trảo), cây tràm (khuynh diệp) (1) . Theo số liệu mới nhất, đất lâm nghiệp toàn huyện có 41.959 ha. Rừng kinh tế có 31.950 ha (trong đó, rừng kinh doanh là 20.224 ha, rừng phòng hộ 11.726 ha), đất đồi không có rừng 10.009 ha.

Dưới thảm thực vật dày đặc ấy, xưa kia cũng là nơi cư trú của những đàn hổ báo, tê ngưu, bò rừng, trâu rừng, dê rừng, lợn rừng, nai, hoẵng, gấu, lợn, khỉ, gà lôi, trĩ, công, trăn, rắn, rùa… Cho đến cuối thế kỷ XIX, hổ vẫn còn rất nhiều, ngay ở đền Chào, cạnh đường quốc lộ, hổ thường lui tới. Khe Cà có tiếng là lắm hổ: “Khái khe Cà, ma cồn Mụ” . Đặc biệt Kỳ Anh là đất của hươu và voi. Đến thời cận đại, con hươu vẫn đi vào ca dao:

Vác súng anh dạo cảnh Hoành Sơn,

Săn con hươu lấy lộc, trả công ơn mẹ thầy

Và:

Nhất cao là núi Hoành Sơn

Lắm hươu Bàn Độ, to lườn chợ Voi ”.

Chợ Voi ở làng Tuần Tượng, xưa kia là trại nuôi Voi (Tuần Tượng trại), luyện voi chiến, voi tải. Sách xưa chép: “Kỳ Hoa là một vùng đất điệp trùng, rừng mọc lan tận biển. Dãy Bàn Độ hươu sao từng đàn. Hổ, gấu, lợn rừng, sói và voi thì khắp vùng đều có” (2) . Sách “ Lịch triều hiến chương loại chí - Dư địa chí” của Phan Huy Chú, chép “Xã Hoằng Hoá thổ sản có các vật lạ như: thông thiên tê (tê ngưu), công, đồi mồi, trầm hương, dây mây tía, dây mây hoa long, trúc hoá long...”. Cùng với thảm thực vật rừng, cả thế giới động vật cũng mất dần, đến nay hầu như không còn nhiều loại quý hiếm. Tuy nhiên so với các nơi khác, rừng Kỳ Anh nay vẫn còn ít gỗ quý (gụ, lim, giỗi, mỡ...), chim, thú quý (khỉ, gà lam (3) )

Trong lòng đất nhiều loại khoáng sản quý như: Than bùn, măng-gan (manganese), vàng; trên bãi biển: cát Titan, Ê-mê-nhít và các ngọn núi chứa tới hàng tỷ m 3 đá granít.

Bờ biển Kỳ Anh nhiều rạn ngầm, eo, vũng với các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá chim, cá thu, cá bù, cá ngứa; tôm sú, tôm hùm, mực, cửu khổng, rong biển (rong câu, rong mơ tên khoa học là Sazgesium). Có nơi như ở Vũng Áng, do kín gió, nước lặng và nhiều thức ăn, cá xuất hiện dày đặc. Một “trộ cá” ở Eo Bạch có lần đánh bắt được 70 tấn cá thiều. Hàng năm với khả năng và phương tiện hiện nay, các xã ven biển vẫn có thể đánh bắt được từ 5.500 đến 6.000 tấn hải sản các loại. Việc nuôi thủy sản nước lợ cũng phát triển, nhất là ở các xã Kỳ Hải, Kỳ Hà, Kỳ Khang, Kỳ Ninh (4) . Ở đảo Sơn Dương, ngoài cửu khổng, trước kia còn có yến sào (vì thế đảo này được gọi là Hòn Én). Ở ven biển làng Như Nhật (Kỳ Xuân) có loại chim Cu Kỳ (Sơn Cưu) cũng là đặc sản quý.

Kỳ Anh được thiên nhiên ưu ái về núi, rừng, biển, đảo, vũng vịnh, khe suối, bãi tắm, đầm hồ và cả danh thắng di tích nổi tiếng. Với tiềm năng và lợi thế đó, trong tương lai không xa Kỳ Anh sẽ phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

(1) Các nhà khoa học đều thống nhất ý kiến là vùng Trường Sơn Bắc (mà Kỳ Anh là một mảnh) là nơi gặp gỡ của hai luồng thực vật di cư: một luồng từ Hymalaya qua Vân Nam lan xuống, và một luồng từ Mã Lai lên. Vì vậy mà người ta có thể gặp ở đây bên cạnh các cây họ dầu, cây săng lẻ, cây huỳnh của miền nam, những cây đề, sồi, hạnh đào, cây họ chà là và cây họ mộc lan của miền bắc (Thiên nhiên VN- SĐD)

(2) Theo một số tài liệu thì đời Lê (và có thể sớm hơn, từ đời Trần, ở đây đã có trại luyện voi. Thời Tây Sơn, Nguyễn Tiến Thiệu, tổ họ Nguyễn ở Kỳ Bắc bây giờ, được giao nhiệm vụ cai quản trại Tuần Tượng.

(3) Nhà sinh vật học, GS Võ Quý đã phát hiện ra loài gà lam ở rừng Kỳ Anh và đặt tên khoa học là Laphủra Hatinheis để ghi nhớ quê Hà Tĩnh

(4) Theo bài viết của GS Đường Hồng Dật và của Nguyễn Bình, Kỳ Anh-Những chặng đường (1990)